Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

GIỚI THIỆU NƯỚC PHÁP


Pháp (tiếng Pháp : France), quốc danh hiện tại là Cộng hòa Pháp (République française), là một quốc gia nằm tại Tây Âu, có một số đảo và lãnh thổ nằm rải rác trên nhiều lục địa khác. Pháp có biên giới với Bỉ, Luxembourg, Đức, Thuỵ Sĩ, Ý, Monaco, Andorra và Tây Ban Nha. Tại một số lãnh thổ hải ngoại của mình, Pháp có chung biên giới trên bộ với Brasil, Suriname và Sint Maarten (Hoà Lan). Pháp còn được nối với Anh Quốc qua Đường hầm Eo biển, chạy dưới eo biển Manche. Pháp là một nước dân chủ theo thể chế cộng hòa bán tổng thống trung ương tập quyền (unitary semi-presidential republic).

Quốc gia này là một nước công nghiệp, có nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới. Những giá trị quan trọng của thể chế này được thể hiện trong bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1789 (Déclaration des Droits de l’Homme et du Citoyen). Pháp là một trong những nước sáng lập Liên minh châu Âu và đồng thời cũng là quốc gia lớn nhất trong khối này tính theo diện tích, nằm trong khu vực đồng euro và khối Schengen.


Pháp là một thành viên sáng lập các tổ chức NATO và Liên Hiệp Quốc, và là một trong năm thành viên có ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Pháp cũng là một trong bảy quốc gia trên thế giới được công nhận là có vũ khí hạt nhân. Người dân Pháp có phong cách ẩm thực thanh lịch. Dường như không có khái niệm ăn nhanh, dù có bận rộn hay gấp rút đến mấy, họ cũng muốn ngồi vào bàn dùng bữa một cách lịch sự, hầu như rất hiếm khi họ mua vội món gì ăn dọc đường đi. Đặc biệt, người Pháp rất sành ăn và họ rất coi trọng vấn đề ẩm thực. Pháp được xem là trung tâm văn hóa của thế giới. Trải qua các thời kỳ, những nhà lãnh đạo quốc gia, tôn giáo cũng như công dân đất nước này luôn chú trọng đến việc xây dựng và bảo vệ các công trình nghệ thuật.

Tổng quan

Diện tích 550 000 km2. Là đất nước lớn nhất Tây Âu (chiếm gần 1/5 diện tích của Cộng đồng Châu Âu) với một khu vực lãnh hải rộng lớn (các khu vực khai thác kinh tế trải dài trong khoảng 11 triệu km2).
Địa hình – Đồng bằng : chiếm 2/3 tổng diện tích.
Dân-số : 65 triệu (2011)

Hệ thống giáo dục

GIÁO DỤC PHỔ THÔNG. Trẻ em được đi học, không kể màu da, giới tính, nguồn gốc, tôn giáo. Giáo dục phổ thông ở Pháp miễn phí và bắt buộc. Trường học dành cho cả học sinh nam và nữ học chung.

VĂN HÓA PHÁP
Tìm hiểu nước Pháp – Hào hoa và phong nhã
Hòa nhập với thời trang Pháp

Người Pháp rất phong kiến trong lĩnh vực thời trang. Họ thích quần vải hoặc quần jeans màu nền nã, chiếc áo giản dị và đôi giầy kín chân, hơn là chiếc áo rách kiểu moden, quần bò thụng và dép sandal. Người Pháp không hay mặc quần soóc. Những nếu đã mặc thì quần soóc không được ngắn lắm. Đối với phụ nữ, bộ đồ phù hợp nhất là váy: dài, ngắn, bộ complê váy, v.v…

Hòa nhập vào thế giới thời trang là một lý do rất chính đáng để bạn ghé qua những boutique của Pháp. Nếu bạn đến Pháp vào tháng giêng hoặc tháng 8, bạn sẽ có cơ hội mua sắm quần áo với mức khuyến mại đến 75%.

Thời-gian làm-việc, nghỉ-ngơi

Đa số các quán ăn chỉ mở cửa lúc 12 giờ để phục vụ khách với bữa ăn trưa. Sau khi nghỉ trưa, các quán lại được mở vào buổi chiều để đón khách ăn tối. Chỉ có một ít số quán cafe không nghỉ trưa. Các công ty nhỏ, ngân hàng và bưu điện nghỉ lúc 16 hoặc 17 giờ vào các ngày thường, Thứ Bảy nghỉ lúc 12 giờ và không làm việc vào chủ nhật. Các viện bảo tàng không làm việc vào thứ 2. Các tiệm ăn, các Business kinh-doanh thường đóng cửa 1 tháng để đi nghỉ hè và ít có thói quen mở cửa 7/7 ngày 1 tuần như ở Mỹ. Người Pháp làm việc trung-bình 36 giờ/1 tuần và không có thói-quen làm “Over Time” như người Mỹ ! Nếu làm ca đêm : được tăng lương 30% (không phải thêm có vài chục Cents/ giờ như ở Mỹ đâu !)

Người đi làm được nghỉ phép thường-niên/1 năm từ 5 đến 7 tuần, dù là tạm-tuyển, chưa được nhận chính-thức vẫn được hưởng chế-độ này !

Giao tiếp và nghi lễ

Người Pháp rất chú trọng tới nghi lễ và sự lịch sự, nhất là trong công nghiệp phục vụ. Khi bước vào các quán ăn, khách sạn hoặc đến cuộc gặp business, bạn nên chào mọi người bằng câu: Bonjour Madame/Monsieur (Chào bà/ông) và tạm biệt bằng: Au revoir. Khi trả lời điện thoại, hãy dùng câu: Allo, khi bạn muốn xin lỗi : Pardon. Riêng tiếng “xin lỗi” có 3 cách, tùy theo nặng-nhẹ : Pardon!, Excusez-moi!, Pardonnez-moi! (cái gì nặng lắm mới dùng Pardonnez-moi !) Trong buổi gặp đầu tiên, bắt tay là phù hợp nhất.

Bạn bè thân thiết thường chào nhau bằng 2 nụ hôn trên mỗi má. Nhưng tốt nhất, bạn không nên hôn ai ở sở làm, vì đã hôn là phải hôn luôn, bữa nào bạn quên không hôn, nó sẽ “bứt rứt” vì tưởng bạn “giận”, nhất là mấy Cô Đầm, phiền đấy !


Nếu bạn đang bỡ ngỡ không biết phải xưng hô và chào như thế nào, hãy để người ta làm bước đầu tiên. Bạn không nên xưng ngôi thứ hai (Tu) với người mới quen (gọi Vous cho chắc ăn) , trừ khi người ta cho phép hoặc họ ít tuổi hơn bạn.

Tiền

Khi trả tiền mua hàng, người bán hàng sẽ luôn luôn hỏi bạn:
Avez-vous de la monnaie ? - (Anh/Chị có tiền lẻ không ?) vì họ không muốn nhận tờ 50 euros khi bạn mua kẹo cao su. Nếu bạn không có thì với nụ cười tươi hãy trả lời : Non, désolé !

An toàn và an ninh

So với các nước Châu Âu khác, Pháp là một nước có an ninh tốt. Tất nhiên cũng có vài khu ở Paris mà người nước ngoài không nên đi một mình vào buổi tối: Pigalle, Barbès-Rochechouart, Montmartre, Belleville. Phía bắc và phía đông Paris thường nguy hiểm hơn là phía nam và tây. Khu Quartier Belsunce ở Marseille không an toàn bằng các khu khác. Những vùng phía Nam của Pháp, nhất là Côte d’Azur và Provence, lại là những khu kém an toàn so với phía Bắc. Trộm cắp thường là dân nhập cư chớ không phải người Pháp ! Những khu du-lịch rất nhiều bọn móc túi !

Cái chính là bạn nên cẩn thận khi đi trong đám đông, luôn giữ túi sách sát mình. Hãy gọi số 17 khi bạn cần đến sự giúp đỡ của cảnh sát !

Phục vụ và mức tiền phục vụ

Ở trong các quán ăn sang trọng hoặc quán cafe, tiền phục vụ thường đã được tính vào giá tiền của món ăn. Còn ở các club vào trong tiền bia và rượu, nếu trong thực đơn không có dòng chữ: “Service compris”, bạn nên hỏi người phục vụ để còn biết đường trả tiền. Nếu tiền phục vụ chưa được tính vào, thì hãy boa từ 15%-20%. Nhưng nếu bạn muốn mình lịch sự hơn nữa thì nên để lại 5% tiền boa, mặc dù tiền phục vụ đã được tính vào tiền ăn. Khi vào tiệm cắt tóc, bạn nên nhớ boa cho người phục vụ. Người Pháp không có thói quen boa người lái taxi nhiều hơn 1 – 2 euros.


10 địa điểm đẹp nhất nước Pháp

Tới Pháp mà chưa đến 10 địa danh này thì quá lãng phí !

Pháp luôn nằm trong danh sách những quốc gia được ghé thăm nhiều nhất thế giới. Cũng dễ hiểu khi ở đây luôn chào đón du khách với rượu vang, ẩm thực hảo hạng và phong cảnh lãng mạn. Từ những địa điểm tráng lệ cho tới khung cảnh thôn quê… đâu đâu cũng mang một sức hút lạ kỳ. Dưới đây là top 10 địa điểm đẹp nhất, được hâm mộ nhất tại Pháp.

1. Thung lũng Loire


Loire nổi bật với vẻ đẹp tự nhiên cùng “bộ sưu tập” các lâu đài và biệt thự sang trọng, đẹp “miễn bàn”. Tới đây để được chiêm ngưỡng một nước Pháp trong cổ tích.



2. Mont Saint-Michel


Chỉ đứng sau tháp Eiffel, Mont Saint-Michel được coi là nơi ngắm nhìn quang cảnh đẹp nhất nước Pháp. Hòn đảo đẹp mê ly với tu viện Benidictine theo phong cách gothic, những ngôi làng từ thời trung cổ và các con đường quanh co, uốn lượn.

3. Côte d’Azur

Bờ biển phía đông nam Địa Trung Hải với bãi biển xanh ngắt thu hút rất nhiều khách du lịch, người nổi tiếng, văn nghệ sĩ tới đây, trong đó có cả Pablo Picasso và Henri Matisse.





4. Giverny

Giverny như một bài hát thôn quê nhẹ nhàng nhưng vương vấn, khiến bạn sẽ không thể quên một khi đã tới đây. Trước mặt bạn sẽ hiện ra một bức tranh xanh mát với hoa loa kèn nước, liễu rủ trên mặt nước, hai bên sông là những ngôi nhà trên thuyền màu hồng.




5. Versaille

Nằm ở vùng ngoại ô Paris, Versailles là một trung tâm hành chính quan trọng và thu hút khách du lịch đáng tự hào theo đúng nghĩa của nó. Những cung điện lớn được trang trí công phu với khu vườn được chế tác kỳ công sẽ khiến bạn thốt lên trầm trồ.

6. Annecy, dãy núi Alpes

Kể cả vào mùa đông hay mùa hạ, dãy núi Alps vẫn luôn được nhiều du khách thăm thú bởi bên cạnh khu resort trượt tuyết, nơi đây còn có những thị trấn đẹp như tranh vẽ. Địa điểm này được coi là nơi ăn ảnh nhất nước Pháp.




7. Champagne-Ardenne

Đây chính là nơi sản sinh ra loại rượu sâm banh hấp dẫn nhất nước Pháp với các vườn nho dài bất tận. Ngoài ra, phong cảnh tuyệt đẹp nơi đây sẽ khiến bạn ngỡ đang trở về thời trung cổ với các lâu đài và nhà thờ cổ kính.


8. Strasbourg


Nằm ngay trên biên giới của Đức và Pháp, thành phố di sản thế giới này mang cả đặc điểm đan xen của 2 quốc gia. Đó thực sự là một thị trấn đẹp như tranh vẽ, tỏa ra sự hấp dẫn của thế giới đã qua, hiếu khách và xinh đẹp.



9. Bordeaux


Thành phố với hơn 350 công trình lịch sử, bao gồm cả nhà thờ và lâu đài, mang kiến trúc gothic này xứng đáng được đưa vào danh sách di sản thế giới hấp dẫn nhất thế giới. Một trong những nơi hấp dẫn nhất Bordeaux đó là Quartier Saint-Eloi quyến rũ.


10. Gorges du Verdon


Bạn sẽ thấy ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp hoang dã của hẻm núi với làn nước màu ngọc lam nơi đáy vực này.




Kính chào quý vị !

Sở thích của tôi thích đi du lịch, ngao du, đến bất cứ đâu tôi cũng tìm hiểu văn hóa, tập tục, đời sống của nước sở tại, để mở mang tầm mắt, rất nhiều thứ đáng để xem, để học hỏi, sợ không có thời giờ đủ để cho chúng ta tìm hiểu.

Nói riêng đến nước Pháp, có rất nhiều thứ để quý vị ngắm nhìn, để tìm hiểu, ngay tại Paris thôi chưa cần đi xa, nào là điện Louvre với mặt tiền là hình tháp chóp bằng kính, nơi này là viện bảo tàng nổi tiếng thế giới, trong đó có cả ngai vàng của vua thời Nguyễn tặng chính phủ Pháp….. quý vị đi cả ngày cũng chưa hết. Ngoài ra, còn có các cung điện Versailles, nhà Thờ Notre-Dame, ngắm nhìn ở vị trí cao từ quảng trường Charle de Gaule, dọc theo đại lộ Champs Elysées đến Place de la Concorde về đêm sẽ thấy vẻ đẹp rực rở của nó, nhất là vào dịp lễ Giáng Sinh và Năm mới. Nơi đại lộ này hàng năm được tổ chức duyệt binh vào dịp lễ Quốc Khánh Pháp, đó là chưa kể đến thăm tháp Eiffel, đi tàu dọc theo sông Seine về đêm, mà quý vị đã từng xem Paris by Night…. Rồi đi tàu tốc hành TGV với tốc độ chạy 352km/giờ nó êm đến nỗi, có vài vị bên HK nói nó chạy trên nệm hơi ,chứ không thể tưởng tượng ra nó vẫn chạy trên đường rầy bằng sắt, tất nhiên đường dành riêng cho TGV được thi công khác với đường sắt bình thường.

Xin nói thêm là TGV hiện tại đang mở rộng ra khỏi biên giới Pháp, đến Đức (IC), Thụy Sỹ, đến tận Mac-tư-Khoa, sang Tây ban Nha, Ý, hiện tại đã có chuyến tàu đi từ cảng Marseile – Moscou (Nga) và ngược lại. Quý vị có thể mua vé TGV ngay tận nước các vị đang định cư (vị nào cần trợ giúp mua vé TGV trên mạng thì l/l thẳng với tôi qua địa chỉ này)….

Tôi chỉ kể sơ sơ thôi, để có dịp quý vị nếu có đi ghé đến xứ Pháp.

Nhân đây, tôi xin kể cho quý vị câu chuyện có thật 100% : Có lần tôi đi sang Hoa-Kỳ, trong bữa cơm gia đình có mời bạn bè đông đủ, tiếp chuyện với tôi là ông cụ đã trên 70t, nghe giới thiệu tôi từ Pháp sang, ông ta hỏi :

- Xứ Pháp nghèo lắm hả cháu, bên đó cháu đi làm đủ sống không ?

- Dạ, thì vẫn đủ ăn ngày 3 bữa – tôi đáp

- Moi có thằng em rể làm bác sĩ, sống ngoại ô Paris, vừa rồi vợ chồng tôi có sang chơi, mèn ơi lương BS mà nó nghèo, tiết kiệm lắm cháu, sáng nó cho 2 vợ chồng tôi ăn toàn bánh mì, với mứt, pho-mát, bơ hay thịt nguội không hà! Thấy cả nhà nó vợ chồng con cái đều ăn thế, nên mình đâu dám đòi hỏi gì khác.

Tôi chỉ cười trừ cho qua chuyện. Vì họ không biết tập tục văn hóa người Pháp hay Âu châu nói chung là sáng họ chỉ điểm tâm nhẹ, cho nên mới gọi là petit déjeuner, nhưng nhìn xem rất đầy đủ chất, bơ sữa, nước cam, thịt, mứt,… sau đó thường là 9g họ lại ăn nhẹ 1 lần nữa với 1 cái bánh ngọt, uống cà-phê,trà…. không như thói quen chúng ta là ăn sáng làm tô phở, tô hủ tiếu.





Nước Pháp đứng nhất về nhiều phương diện

- Nước Pháp nếu bị thất nghiệp được ăn tiền trợ cấp thất nghiệp 70% lương trong 3 năm nếu trên 50 tuổi, nên cứ tà tà nằm nhà trong khi tìm việc khác, còn dưới 50t thì được 2 năm rưỡi (chưa nói chuyện lâu-mau, có nước nào trên thế giới ưu-tiên cho người trên 50 tuổi không ? Hay là như ở Mỹ cứ phải trên 65 mới được 1 số ưu-tiên cho người già ?)

- Nước Pháp bệnh hoạn vô nhà thương khỏi lo trả tiền lệ phí thuốc men bác sĩ, nha sĩ dược sĩ… gì cũng Gratuit (Free) hết, những người bị bệnh như tiểu đường hay nhiễm HIV hay épatide C… đều được nhà nước lo 100% từ thuốc men, bác sĩ, y tá chích thuốc, nằm nhà thương và dài dài vô thời hạn...

Ở Pháp khi bịnh quá, bạn có-thể gọi bác-sĩ trực của khu phố tới nhà bất cứ lúc nào (đây là dịch-vụ ở Mỹ không hề có), mà 1 số người hay lạm dụng !

Ở Pháp hầu-như không ai phải móc túi trả tiền bác-sĩ hay nhà-thương bao giờ !

- Nước Pháp mua nhà được nhà nước phụ trả tiền đóng góp suốt thời gian nợ dù hai ba chục năm hỏng cần biết, nên nước Phap không bao giờ bị khủng hoảng nhà cửa, không bao giờ bị ngân hàng lấy nhà lại hay bị đuổi ra đường, và chưa kể những gia đình nghèo thu nhập kém đều được lãnh phụ cấp tiền thuê nhà, ngay tới sinh viên đi học cũng được phụ cấp tiền nhà không kể giàu nghèo.

Trợ Cấp tiền mướn nhà (Allocation du Logement) : khi bạn nộp đơn xin, 2 đến 3 tuần Qũy Trợ Cấp Gia-đình (Caisse d’ Allocations Familiales) phải trả-lời, mà thường là cho nếu bạn đủ điều kiện, không phải chờ 5, 7 năm như ở Mỹ đâu !

Cái tên “Qũy Trợ-Cấp Gia-đình” mới là dzui, lập ra không biết từ hồi nào với ý-niệm là giúp-đỡ những người có gia-đình, nhưng từ khoảng hơn 2 chục năm nay giúp luôn cho cả người độc-thân nữa !

- Nước Pháp không sợ bị đuổi việc “kiểu Mỹ” (American Way !!) : sáng báo chiều xách gói “xéo” ra khỏi hãng ! Ở Pháp muốn cho nghỉ việc phải báo trước 3 tháng với những nhân viên ngạch Cadre (tốt nghiệp đại-học 4 năm hoặc đồng-hóa), còn nhân viên thường ít nhất từ 1 đến 2 tháng, chưa kể phải được sự chấp thuận của bộ lao động cộng thêm bồi thường vài tháng lương tùy theo thâm niên, có nhiều khi còn được một số tiền kha khá.

Ở Pháp chưa từng bao giờ có chuyện “bị đuổi việc, quay lại bắn xếp” như ở Mỹ ! Quay lại “nhậu” thì có ! Đó là Sinh-Nhật 1 ai đó, mời luôn cả người đã bị cho nghỉ việc tới chung dzui !

- Nước Pháp con cái đi học được miễn-phí, đứa nào học không theo kịp còn được thầy giáo kèm thêm không tốn một xu, chưa kể nhà nghèo, thu nhập thấp còn được tiền phụ cấp mua dụng cụ học đường cặp táp sách vở giày dép bút mực, gọi là Allocation de Rentrée Scolaire = Trợ cấp khai trường, và cả tiền trợ-cấp đi nghỉ hè cho học-sinh nghèo. Trong năm học, nhà trường tổ chức đi chơi như trượt tuyết, tắm biển thì phụ huynh chỉ đóng góp theo khả năng thu nhập.

- Nước Pháp muốn đẻ con bao nhiêu đứa cũng được, càng đông càng zui, càng lãnh nhiều thêm tiền phụ cấp gia đình con cái, có người nhất là người gốc Phi châu hay Á rập nhờ được lấy lậu 4 vợ nên họ đẻ không dưới một tiểu đội con !

Khi mới có bầu thôi là Bà Mẹ đã được lãnh tiền trợ-cấp dưỡng-bầu rồi, gọi là Allocation Prénatale = Trợ-cấp trước khi sinh ! Trợ-cấp này chỉ lãnh vào tháng có bầu thứ 6 (là lúc không phá thai được nữa), nên lãnh 1 cú Rappel 6 tháng cũng… hơi “khẳm” ! Sau đó lãnh thoải mái chẳng cần đi kiếm việc làm nữa cũng đủ sống !

Dân làm biếng ở đâu đó có thể “toi mạng”, nhưng ở pháp không sao hết ! Có thể vì vậy nước Pháp tiến “hơi chậm” 1 chút ! Nhưng các Bạn ơi, “Tiến Nhanh” quá có “Sướng” không hay là “Stress” nhiều hơn ?

Đây là 1 thí-dụ lãnh tiền rất nhiều : – 1 Cô gái 16 tuổi, không chồng, tự nhiên có bầu !

Tiền trước khi sanh, sau khi sanh (Allocation Prénatale, Allocation Posnatale) giống mọi người dã đành rồi, còn được thêm 3 thứ tiền nữa là “Con không Cha”, “Vợ không Chồng” và “Mẹ độc-thân vị-thành-niên” : Chính-thức gọi là ALLOCATION POUR MÈRE CÉLIBATAIRE MINUEURE, nhưng có khi còn được gọi 1 cách rất “lãng mạn” trên các thư gởi đàng-hoàng là : ALLOCATION POUR JEUNE FILLE COURAGEUSE, “Trợ-cấp cho Cô-gái trẻ can-đảm” ! Quá đúng ! 16 mà có bầu thì can-đảm chớ còn gì nữa ! Nhưng khi đủ 18 tuổi thì tiền này bị cúp ! Khỏi lo, tiền “Con không Cha” + “Vợ không Chồng” cũng xấp-xỉ người đi làm rồi, chưa kể nếu còn là dạng ưu-tiên được trợ-cấp tiền thuê-nhà nữa (Allocation du Logement)

Dù sao, chuyện "không chồng mà có con" chỉ là ngoại-lệ ! Điểm cực-kỳ quan-trọng đưa Pháp trở thành 1 “siêu cường” về “Nhân-đạo Xã-hội” đó chính là luật RMI (Revenu Minimum d’ Insertion) : Lợi-tức tối-thiểu để hòa-nhập (vào xã-hội), ra đời dưới thời tổng-thống Francois MITTERRAND. Luật này quan-niệm rằng, ai không có lợi-tức là bị “trục-xuất khỏi xã-hội”, bởi-vậy, Nhà-nước có nhiệm-vụ lo cho tất cả mọi người dân phải có 1 “Lợi-tức Tối-thiểu” ! Bất cứ vì 1 lý-do gì Bạn không có đủ “Lợi-tức Tối-thiểu”, cứ ra Mairie (City Hall) hoặc Qũy Trợ-Cấp (Caisse d’ Allocations Familiales) mà “kêu”, bắt-buộc họ phải giải-quyết rất nhanh !

- Lo cho đám dân “làm biếng” quá chu-đáo có-thể làm đất nước chậm tiến chăng? Tuy vậy, nói nước Pháp “chậm tiến” là hoàn-toàn sai, Pháp bán Airbus đâu thua Boeing, nước Pháp cũng bán phi thuyền, bán được không ít hợp đồng không gian, nước Pháp cũng bán được xe lửa TGV (Train à Grande Vitesse), Métro, máy bay chiến-đấu Mirage, chưa kể linh-tinh Mỹ-phẩm, Nước-bông, Rượu-vang… toàn “xịn” không à !

Pháp làm hệ-thống Métro (xe điện ngầm) cho Cairo (Ai-Cập), Montreal (Canada)… mà bảo Pháp “chậm tiến” thì hơi… oan !

(Không rõ tác giả, Trần Khắc Đạt chuyển bài)

TIẾNG VIỆT - TIẾNG MỸ RẮC RỐI ... - Lê Anh Tuấn




Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi
Me hiền ru những câu xa vời
À à ơi! Tiếng ru muôn đời
Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi

............
Phạm Duy (Tình ca, 1953)


Tôi tình cờ quen một anh bạn Mỹ, người Mỹ chính cống, mắt xanh mũi lõ, tên Johnson William, quê ở bang Ohio của xứ Cờ Hoa nhưng Johnson đã hơn 16 năm sinh sống ở Việt Nam, nghiên cứu về dân tộc học Đông Nam Á, nói tiếng Việt thông thạo, phát âm theo giọng Hà Nội khá rõ, hắn học tiếng ở Đại học Ngoại ngữ Hà Nội rồi làm Master of Art về văn hóa xã hội Việt Nam ở Đại học Khoa học Tự nhiên tại Sài gòn, rành lịch sử Việt Nam, thuộc nhiều câu thơ lục bát trong truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du, Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu. Johnson ăn mặc xuyền xoàng, cái đầu rối bù, chân mang một đôi giày bata cũ mèm, lưng quảy một ba lô lếch thếch, sẵn sàng ăn uống nhồm nhoàm ngoài vỉa hè. Johnson có thể quanh năm suốt tháng ăn cơm với chuối thay cho bánh mì và phomát, xịt nước tương vào chén rồi cứ thế mà khua đũa lùa cơm vào miệng. Đối với Johnson, thịt rùa, rắn, ếch, nhái, chuột đồng,... hắn xơi ngon lành. Bún riêu là món khoái khẩu của Johnson, hắn còn biết thèm hột vịt lộn ăn với rau răm chấm muối tiêu chanh. Ai có mời đi chén thịt cầy với mắm tôm, Johnson chẳng ngần ngại mà còn biết vỗ đùi đánh cái phét khen rượu đế mà nhắm với thịt chó ngon "thần sầu quỉ khốc"!!! Chẳng biết Johnson khéo tán tỉnh thế nào (hoặc bị tán) mà vớ được một cô bé Hà thành tóc "đờ-mi gác-xông", sinh viên ngành văn chương hẳn hoi. Ngày cưới, Johnson vận áo dài khăn đóng, dâng trầu cau và quì lạy bàn thờ tổ tiên nhà gái thành thạo làm đám thanh niên, thiếu nữ, cả lũ con nít và mấy ông cụ ông, cụ bà trong làng suýt xoa, kinh ngạc, xúm đen xúm đỏ coi muốn sập nhà.

Chúng tôi gặp nhau trên chuyến xe lửa từ Nha Trang ra Huế. Tôi về thăm quê, còn Johnson thì sau mấy tháng nghiên cứu phong tục Tây nguyên xuống Nha Trang rồi tiếp đi dự Festival Huế. Đường dài, tàu chạy dằn xóc, chung quanh ồn ào, lao nhao chẳng ai ngủ được. Johnson rủ tôi xuống toa ăn uống, kêu mỗi người một ly cà phê đen, một bình trà nóng rồi trao đổi đủ thứ chuyện trên đời. Tôi cũng khá thán phục sự hiểu biết và thành thạo văn hóa Việt Nam của Johnson khi nghe hắn thỉnh thoảng chêm vô câu chuyện mấy câu ca dao, thành ngữ tiếng Việt. Thật thú vị khi nói chuyện với một người Mỹ bằng tiếng Việt về đề tài ngôn ngữ Việt Nam (dễ chịu hơn nhiều khi khi nó chuyện với một người Mỹ bằng ... tiếng Anh).

Vậy mà Johnson vẫn lắc đầu than:


- Tiếng Việt của mấy ông rắc rối quá! Tôi học đã lâu mà vẫn còn lúng túng, nhiều lúc viết sai, nói sai lung tung cả lên. Này nhé, từ xưng hô, ăn uống, giao tiếp, ... thật lắm từ khác nhau chẳng đơn giản như tiếng Mỹ của tớ, chỉ một từ you là để nói với tất cả người đối thoại, tiếng Việt thì phân biệt ông, bà, anh, chị, em, con, cháu, ngài, mày, thầy, thằng, ... rành mạch. Tiếng Mỹ thì dùng một chữ black để chỉ tất cả những vật gì, con gì có màu đen trong khi đó tiếng Việt thì khác, ngựa đen thì gọi là ngựa ô, chó đen thì kêu là chó mực, mèo đen thì gọi là mèo mun, gà đen thì là gà quạ, bò đen là bò hóng, mực đen là mực tàu, tóc đen thì hóa thành tóc nhung hoặc tóc huyền. Đã là màu đen rồi mà người Việt còn nhấn mạnh thêm mức độ đen như đen thủi, đen thui, rồi đen tuyền, đen thắm, tím đen, đen ngắt, đen bóng, đen sì, đen đủi, đen thẳm, đen óng, đen thùi lùi, đen kịt, đen dòn, ... Còn để chỉ màu ít đen hơn thì người Việt dùng chữ đen hai lần: đen đen. Kiểu này khác với các nước, khi muốn nhấn mạnh điều gì, người ta lập lại từ đó hai lần, tiếng Việt lập lại hai lần lại làm giảm mức độ của từ. Ngon ngon có nghĩa là chưa ngon lắm ...


Tôi cười cười:


- Thì tiếng Mỹ của ông nhiều lúc cũng rắc rối kia mà. Này nhé, người Việt nói: "Hôm qua, tôi đi tiệm" thì người Mỹ lại nói "Yesterday, I went to the shop". Tiếng Anh, đi là go, nhưng đã đi (quá khứ) thì phải viết là went. Bản thân chữ hôm qua (yesterday) đã là quá khứ rồi thì ai cũng biết mà gì cần phải đổi go thành went chi cho rối mấy người học Anh văn? Nội chuyện học thuộc lòng 154 động từ bất qui tắt của mấy ông cũng đủ làm nhiều người trên thế giới phải thi rớt lên rớt xuống. Người Việt nói hai con chó mà chẳng cần thêm s hoặc es thành hai con chó "sờ" (two dogs) như tiếng Mỹ. Một đứa con nít thì nói là one child là được rồi, vậy mà thêm một đứa nữa thì bắt đầu rối, chẳng phải là two childs mà thành two children. Một con ngỗng là one goose, hai con ngỗng thì thành two geese. Vậy mà viết một con cừu là one sheep nhưng hai con cừu thì cũng là two sheep, chẳng chịu đổi gì cả?!


Johnson vẫn không chịu thua:


- Văn phạm của xứ ông cũng rắc rối bỏ xừ! Xem nè, thắng và thua là hai chữ phản nghĩa chứ gì? Thua và bại là hai chữ đồng nghĩa, đúng hông? Vậy mà, hai câu nói: "Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán" đồng nghĩa với câu "Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán"? Không thể viết là "Ngô Quyền đánh thua quân Nam Hán"!!! Phải không nào? Rồi còn, "áo ấm" tương đương với "áo lạnh", "nín thinh" giống như "làm thinh" trong khi ấm và lạnh phản nghĩa nhau, nín và làm cũng là những động từ đối nhau. Đến nhà ai, phải phân biệt "Kính thăm" và "Kính viếng", thăm một người khi người đó còn sống, còn viếng ai thì người đó đã ... qua đời! Rồi ba hồi mấy ông dùng tiếng Hán như Quốc gia rồi đổi thành tiếng Nôm ra Nhà nước, Trực thăng (có thể không cần chữ máy bay phía trước) thành Máy bay Lên thẳng (phải có chữ máy bay phía trước), Thủy quân lục chiến thì đổi là Lính thủy đánh bộ, sao không gọi luôn là lính nước đánh đất??? Lễ động thổ thì không thể sửa lại là Lễ động đất mặc dầu là thổ là đất?


Tôi tiếp tục "ăn miếng trả miếng":


- Tiếng Mỹ cũng đâu có tránh khỏi. See và look cũng đều là động từ để cùng chỉ hành động xem, nhìn, ngắm, dòm nhưng oversee (quan sát, trông nom) lại ngược nghĩa overlook (bỏ sót, không nhìn thấy). Wise man là người thông thái, uyên bác, vậy mà thay chữ man (đàn ông) thành woman (đàn bà) thì chữ wise woman thành bà phù thủy, bà đỡ, bà lang, bà thầy bói, bà đồng bóng!!! Rồi chữ man và guy (anh chàng, gã) gần gần như nhau thì chữ wise guy thành một kẻ hợm hĩnh, khoác lác. Sao lại "park on driveways" (đậu xe trên đường nội bộ) nhưng "drive on parkways" (lái xe trên xa lộ)?


Johnson ôm bụng cười:


- Tên món ăn Việt Nam cũng lạ, miền Nam có bánh da lợn, tưởng làm bằng thịt lợn nhưng thực chất là bằng bột, có lẽ giống như các lớp da lợn, nhưng sao không gọi là bánh da heo theo từ miền Nam mà gọi theo chữ lợn miền Bắc? Bánh bò cũng chắng có miếng thịt bò nào. Bánh tiêu thì không rắc tiêu mà lại rắc mè. Gọi rau má mà chẳng liên quan đến má hay mẹ gì cả. Bánh tét mà gói thật chặt, chẳng thể nào tét được. Bánh dày thì lại mỏng hơn bánh chưng. Bánh chưng thì phải nấu thật lâu mới chín chứ không phải dùng cách chưng hơi hay chưng hấp. Nước lèo trong nồi hủ tiếu thì chẳng phải theo kiểu nước Lào (hay Lèo). Trái sầu riêng thì ăn vô chẳng thấy sầu riêng hay sầu chung chi cả. Bưởi Năm roi rất tuyệt nhưng sao đúng là năm roi? Trái vú sữa, cây dái ngựa thì thật là tượng hình. Hi hi ... Ngôn từ bây giờ cũng thế, cò đất, cò nhà,... thì chẳng dính dáng gì đến "con cò, cò bay lả, lả bay la..." cả.


Tôi cũng chẳng vừa:


- Thế cái món hot dog của mấy ông có liên quan gì đến con chó không? Món bánh mì kẹp thịt bò băm Hamburger của Mc Donald thì đâu có thịt heo (ham). Trái thơm, trái khóm "pineapple" thì chẳng có gì liên quan đến pine (cây thông) và apple (trái táo) cả? Vào phòng thí nghiệm sinh học, ông Giáo sư bảo bắt một con "Guinea pig", nghe qua tưởng đâu là con heo xứ Guinea (một quốc gia ở Tây Phi Châu, giáp với Senegal, Mali, Liberia, Sierra Leone và biển Bắc Đại Tây dương) nhưng ngờ đâu là một giống chuột bọ tên là Guinea (ở Guinea không có giống chuột này!). Đáng lý chữ football (bóng đá) thì phải viết là legball chứ, bởi vì người ta đá banh bằng cả cái chân (leg) chứ đâu chỉ cái ống quyển foot từ dưới đầu gối đến trên bàn chân? Mới đây, khi dân Pháp không chịu ủng hộ Mỹ trong vụ chiến tranh Iraq thế là mấy dân biểu Mỹ giận đòi đổi tên món khoai tây chiên French fries bằng chữ American fries thì mấy ông Tây lại ôm bụng cười chế riễu rằng món French fries không phải xuất xứ từ Pháp mà từ ... Mỹ và là món ăn của dân Mỹ. Có lẽ mấy ông Mỹ tiền bối xưa, khi làm món này đặt tên là khoai tây chiên Pháp cho nó có vẻ ... ngoại cho sang, giống như bây giờ một số quán ăn Việt Nam có thực đơn Lẫu Thái, Bún Indonesia, Bánh bao Mã lai, Cá chiên viên Singapore, Hủ tiếu Nam Vang, ... mặc dầu nguyên liệu và cách nấu gần như 100% của Việt Nam???


Johnson gật gù:


- Ừ, cũng đúng. Nhưng lúc đầu học tiếng Việt, tôi thấy khó quá, đã lấy 24 chữ cái A, B, C của vần La tinh rồi mà bày ra thêm a, â, ă, u, ư, ơ, d, đ,... nữa. Lại thêm kèm 5 dấu sắc ('), huyền (`), hỏi (?), ngã (~), nặng (.) và không dấu ( ) nữa. Như le, lé, lè, lẹ, lẻ, lẽ, mỗi chữ mang một nghĩa khác nhau. Rồi phải học cách bỏ dấu ở đâu trong từ cho chính xác nữa chứ. Hòa hay là hoà. Li hay là ly? Có câu thơ về dấu này cũng hay:


Chị Huyền mang nặng ngã đau,

Sao không sắc thuốc, hỏi sao cho lành ?!

Trong ngôn ngữ Việt Nam, tôi thấy nhiều chữ ghép với chữ ăn mặc dầu nó chẳng ăn nhập đến chuyện bỏ thực phẩm vào miệng, nhai và nuốt xuống gì cả. Nói ăn nhậu, ăn tiệc, ăn mùng, ăn cưới, ăn giỗ,... thì có lý nhưng sao lại ăn nằm, ăn hút, ăn tiền, ăn lương, ăn cắp, ăn mày, ăn chặn, ăn quỵt, ăn diện, ăn đòn, ăn công, ăn năn, ăn hiếp, ăn khách, ăn ảnh, ...

Tôi bật cười chận ngang khi Johnson tiếp tục ghép chữ với từ ăn:


- Thì như tiếng Mỹ của ông vậy thôi. Chữ to get khó dịch gì ra hồn cả. Tôi cũng có nghĩ là khi mình chưa tìm ra động từ nào thích hợp thì dùng tạm luôn chữ to get! Khi quân đội Mỹ bắt sống được Saddam Hussen ở Iraq thì tuyên bố "We got him!", sao không dùng động từ to catch, to caught, to force, to find, to capture, to pick up,... cho rõ nghĩa? Rồi động từ to get đi kèm các giới từ in, into, on, out, up, at-able,... thành một loạt động từ mới. Các động từ to take, to put, to be,... cũng vậy.

Johnson chuyển qua phần khác:


- Chuyện mạo từ tiếng Việt cũng làm rắc rối người nước ngoài. Người Việt nói cái bàn, cái nhà, cái gường, cái nón,... nhưng không thể nói cái chó, cái mèo mà phải là con chó, con mèo, con người,.... Đồ vật là cái, động vật là con. Bây giờ nhiều cô cậu thanh niên Hà Nội thay vì nói cái xe Honda Dream thì lại dùng từ con Đờ-rim, rồi tiếp là con Su (Suzuki), con a còng (@), con Tô (Toyota), con Mẹc (Mercedes),... Vợ chồng tôi có chuyện vui thế này:

Tôi quen vợ tôi, một phần vì yêu các cô gái Việt Nam, một phần cũng để trau dồi thêm tiếng Việt. Một hôm, chúng tôi ra Hồ Gươm dạo chơi, tôi khen: "Con hồ này đẹp quá!". Vợ tôi "chỉnh" liền: "Không, anh phải nói là cái hồ này đẹp quá!". Vậy mà đi ngang sông Tô Lịch thấy nước đen ngòm, tôi nói: "Cái sông này bẩn quá!" thì vợ tôi "sửa" ngay: "Ậy, anh phải nói là con sông này bẩn quá chứ không nói là cái sông!". Tôi la lên: "Ồ, sao lại thế, khi là cái, khi là con, làm sao phân biệt?". Vợ tôi ôn tồn giải thích: "Cái gì động dậy, nhúc nhích thì gọi là con, như con sông có nước chảy, còn cái gì nằm im như cái hồ nuớc tĩnh mịch thì phải là cái hồ. Con chó, con mèo nó chạy được nên phải là con. Cái nhà, cái bàn, cái cột đèn đâu có di chuyển được nên phải là cái. Rõ chửa?". Lúc đó, tôi phá lên cười vì phát hiện một điều vô cùng thú vị: "À, anh hiểu rồi! Tiếng Việt thật hay. Hèn gì cái ... cái của anh nó nhúc nhích lên xuống nên phải gọi là con ..., còn của ... em, nó nằm im một chỗ nên phải gọi là cái, cái ... Ha ha ...". Hôm ấy, tôi bị mấy cái nhéo đau điếng, nhưng bù lại, có được một đêm hạnh phúc.

Tôi thấy tức cười vô cùng với anh bạn Mỹ này:


- Tôi cũng có chuyện hiểu lầm trong phát âm tiếng Mỹ như sau:

Trong một bữa tiệc với các sinh viên quốc tế, tôi nhận phần phục vụ nước uống. Gặp bà giáo người Mỹ đã đứng tuổi, tôi đến chào và lịch sự nói theo kiểu cách của người Việt: "Good evening, Madam. May I have a honour to serve you? Do you like my Coke?" (Chào bà, Tôi có thể hân hạnh phục vụ quí bà. Bà có muốn món Coke (Coca Cola)?). Bà này trợn mắt nhìn tôi, ra vẻ ngạc nhiên, rồi lắc đầu bỏ đi. Tôi băn khoăn chẳng hiểu chuyện gì? Hôm sau, tôi đánh bạo đến hỏi bà: "I am sorry, yesterday I have found your strange look when hearing my invitation. Was there a wrong?" (Xin lỗi, hôm qua tôi thấy bà nhìn tôi kỳ lạ khi nghe lời mời của tôi. Có điều gì không ổn vậy?). Bà giáo mỉm cười độ lượng: "Yes, I had misunderstood yours. Today, I just find out that your pronunciation is not correct. You said "Coke" not sound like "Coke" but "Cock". Cock is a male chicken but it also has a dirty meaning else. You should be careful when saying this word to a lady". (Vâng, tôi đã hiểu lầm anh. Hôm nay, tôi mới hiểu ra là anh phát âm không đúng. Anh nói chữ "Coke" mà không giống "Coke" mà thành "Cock". Cock là con gà trống nhưng nó cũng có một nghĩa khác xấu. Anh phải cẩn thận khi nói từ này với một phụ nữ).

Johnson "gỡ gạc":


- Hi hi ... Anh bạn người Việt dẫn tôi đến thăm nhà, đến trước ngôi nhà của mình anh nói: "Đây là nhà tôi, mời ông vào chơi", gặp vợ anh ta ra đón trước cửa, anh ta lại giới thiệu: "Đây là nhà tôi, mời ông vào chơi". Tôi hơi ngạc nhiên nhưng cũng không hỏi và bước vào nhà, nhà anh ta thật đẹp (vợ anh ta cũng vậy!). Tôi lịch sự muốn khen chủ nhà và nói: "Nhà anh và nhà anh thật đẹp". Hai vợ chồng nhìn nhau cười. Vì đi lâu ngoài đường, lại không có WC công cộng, nên tôi hỏi anh chủ nhà "Xin ông cho tôi vào cái chỗ đi toilet của nhà ông được không?" Hi hi ... lúc đó tôi không nghĩ đến cái sự buồn cười của câu này, hôm sau nghĩ lại tôi mới thấy. Lúc ấy, vợ người bạn lại nguýt tôi: "Rõ khéo, cái nhà anh này hay nhỉ?". Ủa, nhà tôi ở đâu đây vậy?

Tôi cười to kể tiếp:


- Lần đầu tiên sang Châu Âu cách đây 10 năm, tôi quen một cô sinh viên Hoà Lan. Chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh. Cô rủ tôi ra bãi biển nằm phơi nắng và nói chuyện. Hôm đó, tôi chẳng đem theo cái gì để trải xuống bãi cát để nằm cả. Nói với cô này, thì cô mỉm cười: "Oh, never mind. You can lie down at my top" (Ồ, không sao. Anh có thể nằm trên cái top của tôi). Tiếng Anh của tôi cũng chẳng giỏi gì nên chẳng hiểu là nằm trên top là nằm ở đâu? Tôi chỉ biết top có nghĩa là đỉnh, là ở trên. Vậy nằm ở trên là nằm đâu? Nằm trên đầu thì chắc là không đúng rồi, ai lại nằm trên đầu mà nói chuyện với phụ nữ. Chẳng lẽ nằm trên... mình cô này? Hồi lúc trước đi Tây, tôi nghe nhiều thằng bạn nháy mắt kháo nhau rằng, phụ nữ Tây nó... Tây lắm, thích thì sẵn sàng... chiều! "Tình cho không biếu không" mà. Vậy là... lẽ nào??? Tới nơi, tôi mới bật cười và thấy mắc cỡ trong lòng khi thấy cô này cởi áo khoác ra, trải dưới bãi cát và chỉ tôi nằm trên đó. Tối đó, về đến nhà, tôi lặng lẽ lật từ điển Anh - Việt ra xem, mới biết thêm là top còn có nghĩa là cái áo khoác ngoài của phụ nữ. Trời ơi!

Johnson vỗ vai tôi:


- Chút xíu nữa bạn là ... hố to rồi. Ha ha ... Năm ngoái, tôi có đến thăm miệt vườn Nam bộ, tôi có nghe một câu thế này mà lúc đó chẳng thế nào hiểu được: "Hôm qua, qua nói qua qua mà qua hổng qua. Hôm nay, qua hổng nói qua mà qua lại qua"...

..............

Câu chuyện của chúng tôi còn dài. Chia tay với Johnson ở ga Huế. Lững thửng dọc theo con đường về chợ Đông Ba, trong đầu còn vương vấn câu chuyện rắc rối tiếng Việt với Johnson, ông già chạy xích lô lẽo đẽo theo sau:


- "Ôn nớ, ôn đi về mô khôn hè?"

Tôi gật đầu, bước lên chiếc xe cũ rích, buột miệng:


- Có tiệm sách nào gần đây nhất, Bác? Tôi muốn mua một quyển Tự điển Tiếng Việt.

Tôi bất chợt nhớ ra rằng, trong tủ sách gia đình của tôi, có đủ loại tự điển các nước, nhưng chưa hề có một quyển Tự điển Tiếng Việt nào.

Lê Anh Tuấn

Hè 2004

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2012

Flashmob Intergénérationnel : Triệu con tim, Một tiếng nói - Lời kêu gọi, vidéo & hình ảnh tham gia chiến dịch

Khi nhìn thấy được ánh mắt mệt mỏi nhưng cương nghị của anh Điếu Cày cũng như là thái độ bất khuất của chị Tạ Phong Tần tại phiên tòa, rồi lại nghĩ đến cảnh người mẹ vì thương con nên đã tự thiêu, Trúc Hồ đã không cầm được nước mắt và đã thức nhiều đêm liền cố gắng hoàn thành xong video này để gởi đến tất cả những trái tim Việt Nam đang hướng về đất Mẹ.

Trúc Hồ hy vọng các bạn cùng tham gia chiến dịch "Triệu Con Tim, Một Tiếng Nói" để làm bổn phận của người con dân đất Việt dù chúng ta đang sống ở đâu.

Trúc Hồ


Nhạc phẩm "Triệu Con Tim"


Phiên bản karaoké



Các bạn thân mến,

Để lên tiếng nói của Paris cho chiến dịch "Triệu con tim, Một tiếng nói" do STBN khởi xướng, DNghi thân mời các bạn cùng đến tham gia "flashmob" bài hát "TRIỆU CON TIM" của nhạc sĩ Trúc Hồ.

Flashmob là 1 tập hợp đông đảo của nhiều ngườì cùng gióng lên một tiếng nói, ai cũng có thể tham gia, không phân biệt tuổi tác. Cuộc họp mặt sẽ diễn ra vào ngày Chủ Nhật 25/11/12 lúc 15g tại :

Mur de la Paix
Champ de Mars, en face de l'Ecole militaire
75007 Paris
Métro : Ecole militaire

DNghi
Tél : 0608883824

Code Couleur Vestimentaire  :  BLANC




(Vidéo Nguyễn Văn Đông)

Các bạn thân mến,

Tuy không nhận được nhiều hồi âm trước lời kêu gọi trong tuần qua, nhưng thật là một điều bất ngờ to lớn khi chứng kiến sự hiện diện đông đảo của quý cô bác, anh chị và các bạn trẻ. Thành thật cảm ơn tất cả quý cô bác, anh chị và các bạn đã bỏ thì giờ đến góp mặt cùng Flashmob "Triệu Con Tim, Một Tiếng Nói", dù rằng chỉ ghé qua giây lát hay đã ở lại để cùng nhau đóng góp tiếng nói của Paris cho chiến dịch này.

Nếu có gì sơ suất xin quý vị thông cảm và thứ lỗi cho nhé.

Hẹn gặp lại các bạn trên tất cả những nẻo đường đấu tranh cho Việt Nam.

************

Hi guys,

Souvent on se pose la question "Mais, est ce que les jeunes Viêt de France/Paris seront-ils là à un tournant historique de l'histoire du VIETNAM ?". Votre présence d'hier est une réponse. Je vous remercie du fond du coeur d'être présent avec votre niaque, votre dynamisme, votre simplicité.

Le destin du Vietnam est entre vos mains, nos mains.

La nouvelle page de l'Histoire du Vietnam sera écrite par NOUS TOUS car d' "UN MILLION DE COEURS" mais nous parlons d' "UNE SEULE VOIX" :

"LIBERTE ET DEMOCRATIE POUR LE VIETNAM"

Ne laissez pas passer l'opportunité de pouvoir contribuer votre savoir faire, votre capacité parce que vous êtes fiers d'être Vietnamien.

Au plaisir de vous revoir.
Dnghi



Hình ảnh của cuộc Flashmob Intergénérationnel : Triệu con tim, Một tiếng nói diễn ra vào chiều 25/11/2012 trước Mur de la Paix, tại Paris quận 7, hưởng ứng lời kêu gọi của chị Trần Dung Nghi.

(Trần François chụp ảnh, Phan Guillaume đăng lên Picasa)

---

Tôi phải đứng lên vì sẽ chẳng ai nhận lãnh trách nhiệm thay tôi
Tôi phải đứng lên vì đất nước tôi đang chờ đợi,
Tôi phải đứng lên vì đã biết bao nhiêu người nằm xuống, 
Tôi phải đứng lên vì lương tâm không cho phép tôi làm ngơ,
Tôi phải đứng lên dẫu biết rằng sẽ phải độc hành, 
Tôi phải đứng lên và tiếp tục đi vì ta chưa viết xong trang sử hào hùng của dân tộc ta.
..Và tôi mời bạn cùng đồng hành dù chỉ là ở môt khúc quanh của con đường đấu tranh cho Việt Nam

Tôi kiên nhẫn chờ bạn dù chúng ta có khác biệt, dù chúng ta chưa thân thiện
Tôi vẫn kiên nhẫn chờ bạn và sẽ thắp sáng niểm tin để rồi chúng ta cùng hoà nhịp tim đập của chúng ta với triệu con tim Việt Nam, một tiếng nói "Tự Do Dân chủ cho Việt Nam"! 

Bạn hãy đứng lên và cùng tôi nhập vào dòng lịch sử ....

Một lần nữa, DN thành thật cám ơn sự hiện diện của quý cô bác các anh chị, các bạn.
Kính chuyển bài cảm nghĩ của một người bạn đã tham gia Flashmob "Triệu Con Tim" Paris 25-11-2012 cùng vài tấm hình lưu niệm.

DN

T.B. : Đặc biệt cám ơn đã quay clip, các nhiếp ảnh gia Tran François và Phùng Hoàng đã chụp những hình ảnh rất đẹp

(Cảm tưởng sau buổi tham gia Flashmob)

Flashmob "Triệu Con Tim" Paris 25-11-2012

Ngày hội Triệu Con Tim Paris đã có đủ ba yếu tố căn bản để thành công :

1- Thiên thời :
Trời mùa thu Paris  với lá vàng tơi tả, với gió lạnh, với mưa rơi, nhưng hôm đó, Paris làm việc "thuận lòng người, đẹp ý trời", nên mưa đã không rơi, và trời cũng không lạnh lắm, cho nên, thay vì "sầu chia ly", lại là "vui xum họp".

2- Địa lợi :
Địa điểm được chọn rất khéo : tại tường  Hoà Bình, trước bối  cảnh tháp Eiffel, nhìn từ xa giống chữ "nhân" vươn cao, tạo một thông điệp không lời của Paris nhắn gửi thế giới là HÒA BÌNH và NHÂN QUYỀN  

3- Nhân hòa :
Trời giá rét, nhưng những trái tim rực lửa của giòng giống Tiên Rồng đã tìm đến nhau, dù gần, hay xa, dù trẻ hay già : từ em bé 4, 5 tuổi, đến các bô lão 80, 90, do cùng chung một tấm lòng:  thương 80 triệu đồng bào trong nước không có tự do, và  quê mẹ Việt Nam sắp rơi vào tay Tầu Cộng.

Vị cao niên nhất có lẽ là Đại tá Đỗ Việt. Vị hăng say nhất có lẽ là ông Trần văn Thu : sáng đi họp, chiều tới dự lễ từ đầu đến cuối, và cũng đủ sức hòa nhập được với đám đông, dù lớn tuổi và đang bệnh.

Tóm lại, dù "trời cuối thu rồi em biết không ?" nhưng không như Đinh Hùng, buồn vì cô đơn, mà Paris đã nồng ấm với hàng trăm  trái tim đỏ sôi bỏng, trái tim vàng lộng lẫy, "những áo  trắng tinh khôi", "ban tiếp tân" dễ thương, dàn chuyên viên kỹ thuật đông đảo, dàn máy hùng hậu, với máy phát âm, máy chụp, máy quay. Nổi bật nhất là người quay phim chính, ông Nguyễn Văn Đông, tuy không còn trẻ, nhưng luôn có mặt trong tất cả mọi sinh hoạt của Paris, mặc gió, mưa, sương, tuyết để cung cấp những thước phim nóng hổi.

Tuy nhiên, ngày vui sẽ không thể thành hình, nếu thiếu ban tham mưu và trưởng ban tổ chức : cô Dung Nghi. Cô phải lo sắp đặt mọi chuyện, lo huấn luyện "đoàn nghệ sĩ chuyên nghiệp"; tới nơi, lại vội vã mở "cours cấp tốc" trong vòng 20 phút cho các "tài tử tạp  lục", để kịp giờ thu hình.

Những động tác của buổi trình diễn hôm đó tuy giản dị, nhưng rất ý nghĩa: lớp thanh thiếu niên tìm tòi, nghiên cứu lịch sử nước nhà, dùng trái tim để quy tụ tất cả mọi người trong tình thương để nói lên cùng một tiếng nói.

Xin hoan hô và cảm ơn tất cả những Trái Tim Vàng, nhất là ban tổ chức và các bạn trẻ.

Tường trình tại Paris, ngày 29 tháng 11, năm 2012
Nguyễn Paris


(Vivian Huỳnh, 13 tuổi trình bày)

(Bé Hugo, 5 tuổi trình bày)

Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

Thành phố Tokyo, Nhật Bản về đêm

Ở Nhật người dân rất tiết kiệm điện trong nhà nhưng sau mùa thu bắt đầu vào đông đón Giáng Sinh, họ chưng đèn khắp nơi, không những ngoài đường mà cả trong những vườn, chùa, công viên...

(Trần Khắc Đạt chuyển)

Tranh vẽ như ảnh chụp của nghệ sĩ Jeffrey T. Larson

Jeffrey T. Larson là một trong những nghệ sĩ sơn dầu trứ danh. Ông sinh vào năm 1962 tại tiểu bang Minnesota và qua thời thơ ấu của mình ở Twin Cities. Ông được đào tạo trong trường nổi tiếng Atelier. Chương trình đào tạo bao gồm các kỹ thuật cũng như các phương pháp nghệ thuật khác trong thế kỷ 19 Pháp học viện. Ông đã hoàn thành khóa đào tạo nghệ thuật bốn năm của mình, với những bảo tàng nghiên cứu trong khoảng thời gian này, sau bốn năm đào tạo chính thức của mình với nghiên cứu bảo tàng tại Hoa Kỳ và nước ngoài. 

Công trình nghệ thuật của ông bao gồm :


- Nghiên cứu bằng đồng đúc và hoàn thiện vào năm 1988 Minneapolis, MN - Lò đúc riêng

- 1987 - Bảo tàng nghệ thuật nghiên cứu trên khắp Châu Âu
- 1983 - Giải phẫu của con người nghiên cứu từ Đại học Minnesota
- 1980 - 1984 hoàn thành chương trình nghệ thuật 4 năm trong nghề và kỹ thuật Masters Old tại Atelier Thiếu, Minneapolis.

Những bức tranh vẽ về tĩnh vật bằng sơn dầu của ông đẹp và thật đến khó tin. Màu sắc và ánh sáng hoàn hảo đến ấn tượng. Lan Phương mời các bạn cùng chiêm ngưỡng một vài tác phẩm của ông dưới đây :


"Gangnam Style", clip được xem nhiều nhất trên Youtube

Hơn 803 triệu 761 ngàn 938 lần được xem, clip "Gangnam Style" kể từ thứ Bảy đến nay đã nghiễm nhiên trở thành clip được xem nhiều nhất trong lịch sử của Youtube. Với lượt xem vừa kể, clip của ca sĩ Nam Hàn Psy đã bỏ xa ca khúc "Baby" của Justin Bieber đến hơn 110 ngàn lần và chắc chắn rằng trong những ngày tháng tới đây, con số này sẽ còn vượt xa hơn nữa.

(Theo Le Nouvel Observateur, Guillaume dịch)

Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012

Cười

Hình ảnh tuyệt đẹp về lịch sử trang phục Việt Nam - Nancy Dương

Là một nghệ sĩ có niềm đam mê to lớn dành cho văn hóa Á Đông, đặc biệt là Việt Nam, Nancy Dương đã dùng kỹ thuật số hiện đại để thổi sức sống mới vào các giá trị truyền thống của người Việt.



Nancy Dương chia sẻ, cô rất yêu thích trang phục lịch sử Việt Nam và muốn được quan sát quá trình tiến hóa của chúng qua từng giai đoạn. Với các tác phẩm đồ họa theo dạng timeline, cô đã giúp người xem có một cảm nhận trực quan về sự tiến hóa này qua việc đối chiếu các mẫu trang phục được đặt nối tiếp nhau theo các cột mốc thời gian.

Những hình ảnh được tái hiện dựa trên việc tham khảo các tư liệu lịch sử như tranh, tượng cổ, những bức ảnh thời xưa, thông qua internet và một ấn phẩm có tên "Đi tìm trang phục Việt" của các nhà sản xuất phim.

Nancy Dương cho biết, dù đã cố gắng để tái hiện hình ảnh giống với nguyên mẫu nhất, nhưng cô không dám khẳng định rằng tất cả hoàn toàn chính xác. Trong một số hình vẽ, màu sắc là do tác giả tự lựa chọn theo cảm quan của mình vì các tư liệu gốc không có màu sắc để tham khảo. Do không có hiện vật liên quan, trang phục của một số thời kỳ đã không có mặt.

Dưới đây là một số tác phẩm đã được Nancy Dương giới thiệu :

1.000 năm trang phục Việt Nam



Sự tiến hóa của áo dài Việt Nam trong lịch sử


Các kiểu tóc và mũ trong lịch sử Việt Nam


Một số hình ảnh tư liệu tham khảo để thực hiện các hình vẽ


T.B : Có thể một số màu sắc chưa chính xác so với thực tế như tự nhận bởi tác giả, nhưng chúng ta phải cảm ơn Nancy Duong đã dành nhiều thời gian và công sức để hoàn thành bộ hình ảnh tuyệt vời này.





(Trần Khắc Đạt chuyển)

Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2012

Tranh sơn dầu của Pino Daeni

Pino Daeni là một nghệ sĩ người Ý, được đào tạo tại Viện Nghệ thuật của Bari, sau đó tiếp tục học tại Học viện Milan của Brera, chuyên vẽ tranh mà chất liệu chủ yếu là sơn dầu. Bằng nghệ thuật hội họa, ông muốn gởi gắm tâm tư tình cảm của mình vào những bức tranh sơn dầu mà ông gợi cho người xem cảm giác ấm áp, nỗi nhớ, tình yêu... sâu lắng. Pino Daeni với sự nhạy cảm và tinh tế đã nắm bắt từng động tác và biểu hiện của các nhân vật trong từng tác phẩm tạo nên những hình ảnh hết sức có hồn và sống động.

Ông chuyên vẽ hình em bé, ảnh khỏa thân và vẽ nghiên cứu. Pino Daeni là một nghệ sĩ thành công và nổi tiếng trên quê hương của mình và cả trên thế giới... Đó là lý do tại sao tranh của nghệ sĩ Pino được sưu tầm và tìm kiếm khắp nơi trên thế giới.

Mời các bạn cùng chiêm ngưỡng một số tác phẩm của ông dưới đây :

(Trần Khắc Đạt chuyển)

Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

Ông Mỹ nói tiếng Việt giọng Nam bộ..


Gứi các thân hữu xem cho vui. Xin cố gắng kiên nhẫn coi cho tới hết những phút cuối khi Big Joe kể chuyện câu cá... cười bế bụng luôn. Nên đi restroom trước khi ngồi xem nhé !
(Bùi Hữu Nguyệt chuyển)

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

Văn Hóa Ngọng - Trần Văn Giang

Lời giới thiệu:

Ngôn ngữ là một món quà quý báu mà thượng đế đã ban cho con người. Ngôn ngữ với một số ràng buộc khá phức tạp về cách phát âm, chính tả, và văn phạm cũng là một phần rất quan trọng của văn hóa. Qua cách dùng ngôn ngữ «đúng cách» (chuẩn, chính xác, đơn giản, dễ hiễu), con người không chỉ đạt được mục tiêu trình bày trọn vẹn ý tưởng; mà còn vô hình trung làm cho mọi người chung quanh biết thêm về trình độ học vấn, tư cách, địa vị (chỗ đứng) của người sử dụng nó trong xã hội.

Trước hết người viết cũng xin thành thật mong quý vị thấy mục đích của bài này là một tạp bút giới thiệu một số phương ngữ của vùng, miền; trình bày thêm những những khó khăn mà người sử dụng đã gặp lúc cần phải giao tiếp với người sống ở bên ngoài môi trường cố hữu của mình. Một số thí dụ và các ghi chép tự nhiên không thêm bớt từ nhiều nơi (nghe sao thì ghi lại y như vậy) sẽ được đề cập chỉ có tính cách tượng trưng, chứ không hề có ngụ ý «pha tiếng», hay để «chửi» ai cả… Người viết cũng muốn mạnh dạn và thận trọng nêu lên một số vấn đề phát âm, chữ viết vượt qua khỏi phạm vi giới hạn của địa phương cần được quan tâm cùng với các quan sát, nhận định rất chủ quan (và người viết chờ mong sự chỉ trích của quý vị cao kiến) về sự phát âm khác biệt (nói nôm na bình dân học vụ là «ngọng») theo vùng, miền của dân Việt nói chung và chính ngay gia đình cá nhân của người viết để chúng ta cùng góp thêm vào một giải thích, một phương cách khả dĩ có thể sửa chữa, làm thay đổi hoàn cảnh khó khăn trong lãnh vực thông tin, giao tiếp hiện nay.

Điểm đặc biệt đáng lưu ý là «phát âm khác biệt theo vùng» và «ngọng» xét cho kỹ, là hai vấn đề khác nhau; nhưng để đơn giản hóa, người viết sẽ gom cả hai thể loại này thành một dạng để tiện phân biệt với dạng «chuẩn» ở bên kia lằn ranh. Cũng không khó khăn gì lắm, quý vị sẽ thấy rõ khi nào là «phát âm khác biệt» và khi nào là «ngọng» trong những giòng kế tiếp…

TVG


Ngọng thường xuất phát từ (địa) phương ngữ, thổ ngữ có nghĩa là chỉ chi phối, chỉ có ảnh hưởng giới hạn trong một miền, vùng, địa phương nào đó. Tuy nhiên trong thực tế, qua cuộc cách mạng tin học và với sự có mặt của một nền văn hóa xhcn «Mac Keno» không người lái, vinh quang vô địch… (trong cái văn hóa «Mac Keno» - mặc kệ nó – chủ trương ngu dân thì việc dân bị ngọng cũng là chuyện tốt thôi; miễn sao dân ngu cứ việc «ngu» và đừng «phản động, chống đối đảng và nhà nước» là được rồi!) Ngọng nói đã dần dà tràn lan qua ngọng viết và cả hai thứ ngọng trở thành quốc nạn hồi nào mà không hay. Hãy nghe và xem các thí dụ thật - không phải loại vu vơ chế nhạo để giải trí tiếng nói vùng miền trong các hài kịch rẻ tiền, vô trách nhiệm - Các «video clip» phỏng vấn các bác «nhân dân» trong nước, hoặc các tựa đề, các bài viết đứng đắn trên báo in và báo điện tử «lề phải,» băng rôn tuyên truyền của chính quyền cs, bảng chỉ dẫn lưu thông của «nhà nước,» bảng hiệu thương mại, quảng cáo của quần chúng toàn quốc trước mắt bàng dân thiên hạ, chúng ta không khỏi lo lắng ái ngại cho tương lai tiếng Việt.

Có lẽ chúng ta chưa hề thấy có thống kê chính thức nào cho toàn quốc Việt Nam về tỉ lệ dân chúng nói ngọng; nhưng theo cá nhân tôi, phải có đến trên 50% dân số Việt Nam nói «ngọng» cách này hay cách khác.

Khái quát về phương ngữ ba miền

Nói ngọng là «đặc sản» của địa phương, là chuyện bình thường; Tuy vậy, lúc nào cũng có ngoại lệ. Không phải bất cứ ai sống trong một vùng có người nói ngọng thì họ cũng đương nhiên phải nói ngọng. Có nhiều người người sinh ra và sống ngay trong vùng nói ngọng, chẳng hạn đa số dân Hà Nội không nói ngọng «l,n,» mà họ lại «dị ứng» với việc nói ngọng, đó chưa kể đến chuyện họ đôi khi tỏ vẻ «kỳ thị» (khinh thường) đồng bào nói ngọng(!).

Một lần nữa, những ghi chép sau đây chỉ có tính cách tượng trưng điển hình, không phải là tuyệt đối; tất nhiên còn cần nhiều bổ túc và sửa chữa.

1- Bắc kỳ

Cơ bản sự «ngọng» của dân Bắc kỳ là phát âm «nhẹ» hẳn đi các phụ âm dẫn đầu mỗi chữ (như tr, r, s…) Các Ngôn ngữ gia khắt khe hơn thì cho rằng người Bắc «lười» không chịu khó uốn lưỡi một chút cho đúng âm mà lại chọn khuynh hướng đọc dễ dàng hơn: giảm bớt cái âm uốn cong hay cao lên của phụ âm đầu.

Dân Bắc kỳ nhất là các vùng Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Hà Nam, Bắc Ninh…v.v..., và ngay cả dân cư đất «ngàn năm văn vật» - 13 huyện Hà Nội - rất «phổ thông» nói ngọng líu lo (và đặc biệt bị lưu tâm nhiều nhất) hai phụ âm «l,n.» Chẳng hạn:

«Đi Hà lội mua cái lồi về lấu cơm lếp»
(«Đi Hà nội mua cái nồi về nấu cơm nếp»)

Hoặc là:

«Chỗ lước lày lông, lội được!»
(«Chỗ nước này nông, lội được!»)

Hay:

«Thằng Nong nàm việc thì nếu náo; nhưng nòng nợn thì ló gắp nia gắp nịa.»
(«Thằng Long làm việc thì lếu láo; nhưng lòng lợn thì nó gắp lia gắp lịa.»)

«Mình không nàm thì có bảo mình không nàm; mà mình nàm thì ló nại bảo mình nàm nấy nệ.»
(«Mình không làm thì có bảo mình không làm mà mình làm thì nó lại bảo mình làm lấy lệ. «)

«Tự nhiên như người Hà lội.» Toàn bộ các chữ có «l phang tới thành «n» và ngược lại (!)

Đại đa số dân Bắc kỳ (kể cả người viết và gia đình) còn nói trật nguyên âm «r, d, gi» («rờ» thành ra «dờ» hay «giờ»):

«Kính dâm»
(Kính râm / kính mát)

«Mấy giờ giồi?»
(«Mấy giờ rồi?»)

Một em xướng ngôn viên (bây giờ vi-xi gọi là «phát thanh viên») của một chương trình truyền hình trên VTV ở Việt Nam loan báo tin thời tiết nghe mà muốn «dởn da gà» luôn như sau:

«Có mưa dào dải dác; nhưng dét da diết.»
(«Có mưa rào rải rác; nhưng rét (lạnh) ra riết.»

«Mưa dừng ơi mưa dừng.»
(Như ông bạn Vũ Khanh của tôi ca lời bản nhạc «Mưa Rừng» của Huỳnh Anh)

Và nổi bật nhất và phổ thông nhất là sai nguyên âm «tr, ch:»

«Mười lăm chăng chòn; mười sáu chòn chăng.»
(«Mười lăm trăng tròn; mười sáu tròn trăng.»)

Hay là:

«Đường xưa lối cũ có bóng che, bóng che che thôn làng
Đường xưa lối cũ có anh chăng, ánh chăng soi đường đi…»
(Lời ca bài hát «Đường xưa lối cũ» của Hoàng Thi Thơ mà tôi nghe ca sĩ Quang Minh - cũng dân Hải phòng - hát).

Trong khi lời hát đúng phải đọc là:

«Đường xưa lối cũ có bóng tre, bóng tre che thôn làng
Đường xưa lối cũ có ánh trăng, ánh trăng soi đường đi…»

Một số địa phương ở Bắc như Nam Định, Ninh Bình và Thái Bình… vẫn phát âm đúng các phụ âm «r, d và gi» trong khi phần lớn các vùng khác (ở miền Bắc) đều phát âm sai…

Nên để ý, thật oái oăm, nghịch lý ở đây là hai thứ ngọng (có lẽ vì lười không chịu uốn lưỡi ?!) rành rành «tr» thành «ch» và «r» thành «d, gi» của dân Bắc kỳ lại được đại chúng có khuynh hướng rộng lượng chấp nhận như là «dạng chuẩn» riêng trong vấn đề hát lời ca của ngành tân nhạc (?). Một vài ca sĩ không phải gốc Bắc kỳ như Ngọc Hạ (Đà Nẵng / Quảng Nam, miền Trung), và Phương Dung (Gò Công, miền Nam) khi hát tân nhạc đôi khi đã cố tình phát âm đúng chữ «tr» (trăng, trong, trời…) chứ không đổi sang «ch» như thông lệ thì nghe lại có vẻ rất căng thẳng (?) và ngượng ngạo (?) Thành ra vấn đề âm thanh ngọng (mà thuận tai?) được chấp nhận (hay không) còn tùy vào sự cảm nhận của đại chúng… Như vậy, không có gì gọi là «chuẩn» tuyệt đối cả.

Vùng Hải Hậu, Nam Định thì lại ngọng «tr, t» một cách khác:

«Con tâu tắng nằm cạnh gốc te tụi giữ tưa hè»
(«Con trâu trắng nằm cạnh gốc tre trụi giữa trưa hè.).

Tương tự, một số dân ở địa phương Thái Bình thì lại ngọng chữ «r, d» một cách khác nghe rất lạ tai. Như bà hàng xóm của tôi (gốc Thái lọ) là dân di cư 1954 ở Sài gòn cứ gọi con ơi ới:

«Rương ơi Rương! Ra đây mẹ cho miếng rưa.»
(«Dương ơi Dương! Ra đây mẹ cho miếng dưa.»)

Hà Tây, Hà ta thì thì cũng «lười,» bỏ bớt dấu huyền của mỗi chữ cho nó đỡ vướng:

«Con bo vang»
(«Con bò vàng»)

Hát là:

«Nhin chiêu vang đôi thông thưa thớt
Long bôi hôi buôn trong theo bóng»
(«Nhìn chiều vàng đồi thông thưa thớt…
Lòng bồi hồi buồn trong theo bóng»
(Lời bản nhạc «Chiều Vàng» của Nguyễn Văn Khánh )

Người Bắc đọc sai tất cả chữ phụ âm «s» thành âm «x» hết ráo trọi; trong khi người miền Trung và miền Nam lại phân biệt «s, x» rất rõ ràng. Bắc kỳ đọc «s, x» như sau đây:

«Xáng xớm xương xuống xào xạc; xã xệ xửa xoạn xuống xuồng xang xông.»
(«Sáng sớm sương xuống xào xạc; xã xệ sửa soạn xuống xuồng sang sông.»)

Mẹ tôi còn kể thêm là ở ngoài Bắc, có vùng còn ngọng nguyên âm «s, x» ra «th» mà tôi chưa kiểm chứng được xem ra loại ngọng này thuộc vùng nào (? Kính nhờ các bác uyên thâm bổ túc dùm nhà cháu ở phần này):

«Thúng hay thấm? hay trẻ con thậm thàn»
(«Súng hay xấm? hay trẻ con dậm sàn»)

2- Trung kỳ

Dân Trung kỳ (Huế và các xứ Quảng) hầu hết nói chéo (sai) hai dấu hỏi ngã:

«Đễ kỹ niệm…»
(«Để kỷ niệm»)
(Nhà văn PNN tiếp lời MC Nam Lộc trên một «Asia DVD» trong chủ đề «Vinh danh người lính QLVNCH»).

Hoặc đổi nguyên âm «t» thành «c» ở cuối chữ:

«Làm lụng đàu tắc mặc tối.»
(«Làm lụng đầu tắc mặc tối.»)

Người Huế chính gốc «ớt hiểm» còn chơi thêm dấu «nặng» vào hầu hết các các chữ; và đồng thời thêm «g» ở cuối chữ «không g.» Hiểu như vậy thì quý vị cũng đừng ngạc nhiên khi một cô thợ hớt tóc người Huế thơ mộng hỏi:»Anh muốn cắt dài hay cắt ngắn?»

«Hắng» / «Hắn»

Huế, nhất là xứ Quảng, đôi khi xài sang, cho thêm nguyên âm «o, a» ở giữa chữ cho long trọng:

«Đo(á)m noái / Đám nói»

Hay:
«Đo(á)m hoải / Đám hỏi.»

Hoặc:
«Lâu đo(à)i tình o(á)i.» / Lây đài tình ái.»

Vùng Bình Định Qui Nhơn phát âm «hơi sai» nguyên âm «a, ă, e, ê, iê:»
«Nem boa bửa không tém một bửa»
(Đọc số phone: «537-0817»)

Hoặc:
«eng / ăn;» « «téc đèng / tắt đẻn;» «Chó kéng / Chó cắn;» «Nghem / Nghiêm.»
Dân Khánh Hòa, Phú Yên ngoài «a, ă, e, ê, iê...» (nhưng nghe sai có vẻ nhẹ nhàng hơn người Bình Định) còn đọc «ơ» thành ra «u» mới chết người. Gia đình thằng em cột chèo của tôi người Nha Trang (Khánh Hòa) nói thoải mái mời tôi:

«Mời anh ở lại ăn cum / ăn cơm»

3- Nam kỳ

Dân Nam kỳ, đa số, có khó khăn khi phát âm các chữ bắt đầu bởi phụ âm «v, d.» Chẳng hạn:

«Dân dzệ dê dzợ dân dzận. Dân dzận dzậng dân dzệ.»
(«Anh lính Dân Vệ mê vợ của anh cán bộ của Ty Dân Vận Chiêu hồi. Làm cho anh cán bộ Dân Vận Chiêu Hồi giận hết sức!»

Hoặc:
«Cười lên đi để dzăng dzàng sáng chói / Răng vàng»
(Lời hát nhái trong dân gian cho câu «Kìa thôn quê dưới trăng vàng bát ngát» từ bài «Khúc ca ngày mùa « của Lam Phương).

Hoặc:

«Đi đâu chơi mới dzề hả? Dzui hông?...»
(«Đi đâu chơi mới về hả? Vui không?»)

Và sai lẫn lộn phụ âm «t,c» ở cuối mỗi chữ, đồng thời đôi khi tiện tay bỏ bớt nguyên âm (a, e, i, o, u) ở giữa chữ:

«Giữ chặc tình thân hủ / Giữ chặt tình thân hữu;»
«Cúi từng có giá đặt biệt / Cuối tuần có giá đặc biệt»

Đồng bào «Nam bộ» ta cũng dùng chéo (sai) hai dấu «hỏi ngã» và thêm «g» vào chữ «không g» như các bác Trung kỳ:

«Cho tui xin nửa chéng cơm nửa»
(«Cho tôi xin nửa chén cơm nữa.»)
«Tổ quắc ăng năng / ăn năn»

Bà mẹ vợ tôi, người gốc Long Xuyên, khi nói đã tự ý đổi «y» thành «i» ở cuối chữ; đôi khi nghe cũng dễ bị hiểu lầm lắm (?):

«Tịm chúng tôi có báng đủ các lọi đồng hồ đeo tai»
«Tiệm chúng tôi có bán đủ các loại đồng hồ đeo tay»
(Như lóng rày ca sĩ BC làm quảng cáo cho tiệm đồng hồ Tic-Toc trên TV) .

Riêng dân vùng đồng bằng sông Cửu Long: Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng còn ngầu hơn, miệt này phát âm chữ «r» thành ra «g» nghe thoáng như lưỡi bị ngắn (?) hoặc giống tiếng Miên (?):

«Bắt con cá gô bỏ gổ, nó gục gịch gục gịch gớt dzào gổ gau găm»
(«Bắt cá rô bỏ rổ, nó rục rịch rục rịch rớt vào rổ rau răm» ).

Tôi có rất nhiều bạn nói kiểu «đi ga… chết gồi» («đi ra… chết rồi») này. Nghe riết rồi cũng quen tai.

Ngoài ra, còn có hàng chục thổ ngữ nhỏ khác với cách phát âm và chữ dùng mà người vùng khác không tài nào hiểu nổi. Tuy nhiên bài viết ngắn này chỉ là một bài tạp bút không phải là một bài khảo cứu ngôn ngữ; cho nên, trong phạm vi giới hạn, không tiện kể ra hết cho hoàn tất, đầy đủ. Nếu hưởn, quý vị có thể tự tìm hiểu thêm … Có một điều đáng để ý là người miền Nam nói sao thì họ viết y như vậy cho nên người Nam dễ bị sai chính tả (ngọng viết) hơn là đồng bào miền Bắc và Trung – Người miền Bắc và Trung tuy phát âm sai nhưng phần lớn lại viết đúng chính tả!

Kinh nghiệm gia đình và cá nhân người viết

Tôi sinh ra tại vùng ngoại ô của thành phố Hải Phòng vào năm 1950 và lớn lên ngay giữa trung tâm thành phố này – Thật ngẫu nhiên, Hải Phòng cũng là sinh quán của một số văn nghệ sĩ tên tuổi đương thời như: nhạc sĩ Văn Cao, Gia đình Lữ Liên (Lữ Lỉên, Thúy Liễu, Bích Chiêu, Tuấn ngọc, Khánh Hà, Anh Tú, Thúy Anh, Lưu Bích... cả tiểu đội!), kép cải lương Hùng Cường, minh tinh Thẩm thúy Hằng, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, ca sĩ Thu Phương, Quang Minh... (người viết xin phép được tiện đây thấy người sang bắt quang làm họ một tí cho thay đổi không khí !) nhưng đồng thời tôi cũng tự phát giác ra Hải Phòng là «thủ đô nói ngọng» (loại «phản cảm,» «nhà qué» «có 102 - một không hai « «l,n») của Việt Nam (xin lưu ý: Tôi thấy các «siêu sao» gốc Hải Phòng nổi tiếng mà tôi vừa liệt kê ở trên không có «sao» nào nói ngọng «l,n» cả mới là lạ !).

Gia đình nhỏ của bố tôi có 3 anh em trai, tất cả đều sinh ra tại Hải Phòng. Tôi cứ nhắm mắt mà vẫn yên tâm cam đoan là cả ba người (bố tôi và hai ông chú) đều nói ngọng lúc thiếu thời... Khi lớn lên, bố tôi và một ông chú nhỏ tuổi nhất làm «cách mạng kinh tế» phá rào, vượt qua lũy tre xanh, rời xa khỏi địa bàn Hải Phòng, đi lính quốc gia... Kết quả, sau này hai người (Bố tôi và ông chú trẻ) nói và viết tiếng Viêt không còn ngọng một tí ti ông cụ nào. Riêng ông chú tuổi kế bố tôi ở lại «bám trụ» Hải phòng ngay từ ngày đầu chú mới sinh ra cho tới tận bây giờ; thì ông chú này và 8 đứa con vẫn ngọng đặc cán mai. Năm 1948, bố tôi 24 tuổi từ Sài gòn trở về Bắc làm cảnh sát Hải Phòng; và lập gia đình với mẹ tôi - mẹ tôi cũng là dân sinh quán Hải Phòng; và chính mẹ tôi cũng nói ngọng «l,n.» khá nặng. Tôi và 3 đứa em lớn được sinh ra tại Hải Phòng. Năm 1954 gia đình tôi (bố mẹ và 4 anh em tôi) tị nạn cs, theo làn sóng di cư vào Nam. Đến hôm nay, gia đình tôi có cả thẩy 8 anh em ruột và gia đình ông chú trẻ của tôi có 5 đứa con; tất cả chúng tôi (tổng cộng 13 người con của thế hệ thứ nhì) không có một ai nói ngọng «l,n» (nên biết chúng tôi nói rặc tiếng Bắc 54 y chang như quý vị nghe giọng nói của ca sĩ Vũ Khanh và Ý Lan – hoàn toàn khác hẳn với giọng Bắc kỳ 75 của Bằng Kiều, Nguyễn Hồng Nhung).

Năm 2005 tôi có dịp về Việt Nam, ghé qua thăm quê quán Hải Phòng thì mới thấy là tất cả toàn bộ («chăm phần chăm») họ hàng bên nội bên ngoại của tôi đều ngọng «l,n» hết ráo. Môt cô cháu gái của tôi, tuổi hai mươi mấy, trông dáng trắng da dài tóc xinh xắn, làm giáo viên tiểu học ở Hải Phòng, cũng ngọng «l,n» rất trầm trọng (có nghĩa là tất cả các chữ «l» đều đánh ra thành «n» và ngược lại); Ngọng líu lo («l,n») mà làm nghề mô phạm dậy trẻ con thì xem ra còn tệ hơn là đặc công khủng bố (văn hóa). Làm thiệt mạng (rất nhiều) người chứ chẳng phải chuyện đùa!

Qua kinh nghiệm của gia đình và cá nhân tôi thì sự phát âm sai (ngọng) phần lớn là vì ảnh hưởng của môi trường phát âm sai (Hải Phòng); không phân biệt được chữ đúng... Nếu có dịp đi ra khỏi môi trường ngọng này, như bố tôi chẳng hạn, và hội nhập vào môi trường phát âm đúng; hoặc có người chỉ dẫn như được học hành với thầy cô nói tiếng Việt chuẩn thì sự «ngọng» có thể dần dần sửa chữa được – Như vậy, «ngọng» là một bệnh nan y thật nhưng không phải là hoàn toàn hết thuốc chữa...

Điều đáng chú ý là ngoại trừ loại ngọng «phản cảm» «l,n;» hầu hết các loại ngọng hay phát âm sai bét khác đều được công chúng dễ dãi xí xóa thông cảm. Ngọng «l,n» đặc biệt bị phân loại là «sai cơ bản,» «bất bình thường» «không chấp nhận được.» Trong giao tiếp bình thường mọi ngày, người ngọng «l,n» đôi khi còn bị hiểu lầm và bị «đánh giá» thấp như «nhà quê,» «ít học,» «kém văn hóa...» Trời đất! Quê tôi !

Bàn thêm một chút về lý do ngọng

Bên trong vòng đai lũy tre xanh, một cộng đồng khép kín, buổi sáng thức dậy đi làm ruộng, tối trở về nhà ăn uống nghỉ ngơi rồi ngày mai lại thức dậy đi làm ruộng tiếp thì với cuộc sống đơn giản như vậy, số người tiếp xúc hàng ngày chỉ loanh quanh là người trong gia đình làng xóm... Lời ăn tiếng nói hàng ngày và phong tục đã thấm sâu vào trong con người. Sự nói ngọng (phát âm sai) đã trở thành thói quen chung (cả làng đều ngọng cả), không ai thấy có nhu cầu hay tác động gì cần thiết phải sửa đổi.

Sau khi ra khỏi lũy tre xanh, gia nhập một cuộc sống phức tạp hơn, bon chen hơn, phải giao tiếp rộng rãi hơn với mọi người khác xứ; rồi qua phản ứng của họ (người khác xứ nghe mình nói ngọng thương hổng nổi!) người phát âm sai lúc đó mới cảm thấy được những cái bất lợi của việc phát âm sai của mình. Từ đó tác động vào ý muốn sửa chữa, vượt qua những lỗi phát âm.

Có một anh chàng «ngọng» đẹp trai vừa chân ướt chân ráo ra khỏi lũy tre xanh; vào một buổi đẹp trời phải lòng một em gái văn minh phố thị. Mặc dù anh biết cô em nhiều lần tỏ vẻ lạnh lùng không muốn thân thiện (phần lớn cũng chỉ vì kỳ thị tiếng nói ngọng), nhưng anh đẹp trai đã lỡ yêu rồi nên cũng liều, cố lấy hết can đảm viết ra một lá thư tình «ngọng.» Quý vị thử tưởng tượng xem khi đọc lá thư «phản cảm» này đại khái như dưới đây thì liệu cô nàng «xí xọn, khó tính» có mủi lòng được hay không?

«Em Nan ơi. Anh đã nhiệt niệt no nắng cho em đủ mọi chuyện thế mà em vẫn chưa hiểu cho nòng anh; Em vẫn tỏ vẻ nạnh nùng với anh. Bây giờ anh không biết phải nàm thế lào để nấy được nòng em....

Nễ.»

Em Lan («Nan») vì đã «dị ứng» sẵn với sự ngọng của anh Lễ cho nên tỏ vẻ cự tuyệt hơi quyết liệt. Em Lan dùng chính ngôn ngữ của anh «Nễ» trả lời anh «Nể» vì mong anh «Nễ» dễ hiếu rõ ý của em. Em Lan viết trả lời anh «Nễ» đại khái như vầy:

«Anh Nễ nàm em sợ nắm. Em còn bé, không dám nghĩ đến chuyện tình cảm người nhớn... Nếu anh không giận em thì xin anh vui nòng nàm phúc sơ tán qua vùng khác nàm ăn để em còn yên chí học hành; no cho tương nai.

Lan.»

Chuyện tình cảm tha thiết, thành thật, đứng đắn mà không may dùng phải chữ nghĩa ngượng ngạo của vi-xi; cộng thêm chữ viết ngọng thì là một thảm kịch chứ không giống hai người đang diễn hài (kịch)... Có lẽ anh Lễ cần rất nhiều may mắn (và cả phúc đức nữa ) mới có cơ may kết duyên với một em gái không ngọng.
Thiệt tình. Ai bảo cuộc đời này không bất công?

Làm sao sửa được tật nói ngọng

Trước hết người nói ngọng phải tự ý thức được sự ngọng của mình thì vấn đề sửa đổi mới có hiệu quả - Cái mục này nói thì dễ lắm mà làm là chuyện vượt cả Trường Sơn Đông lẫn Trường Son Tây trong một buổi...). Đối với một số người bảo thủ lý luận là: «Đây là tiếng mẹ đẻ; cha ông tôi đều nói như vậy. Tại sao phải thay đổi» thì đành chịu.

Khoảng 5 tuổi trở lên, trẻ con bắt đầu hiểu được tiếng nói, và biết bắt chước cách phát âm tiếng mẹ đẻ. Nếu ngôn ngữ được uốn nắn ngay từ lúc này thì rất tốt (kể ra càng sớm càng tốt). Người đứng ra hướng dẫn và uốn nắn tốt nhất là thầy cô giáo vì ngay cha mẹ nhiều khi cũng đã ngọng sẵn rồi còn gì. Các cô giáo có than phiền là dù đã tương đối thành công sửa giọng ngọng của các em ở trong lớp; nhưng khi các em trở về nhà, sống giữa gia đình ông bà bố mẹ anh chị đều nói ngọng thì các em lại ngọng trở lại... Xem ra «sự nghiệp giải phóng dân tộc» còn dễ hơn là «sự nghiệp giải phóng ngọng!»

Muốn chữa nói ngọng thì phải nói cho chậm rãi để có thời giờ nghĩ và chỉnh các âm sai. Thầy giáo và bạn bè thân thiết có thể giúp đỡ rất hữu hiệu trong việc nhận diện các âm sai và sửa sai. Quan trọng nhất là sự kiên tâm, chịu khó luyện tập lâu dài. Ở Mỹ có những chuyên viên về sửa chỉnh ngôn ngữ (Speech Therapist / Speech Therapy) được đào tạo đặc biệt để giúp các công dân Mỹ có vấn đề phát âm Anh Ngữ như ngọng, cà lăm. Các tay chơi thể thao nổi tiếng như Bill Walton (basketball), Bo Jackson (football) bị cà lăm rất nặng khi họ mới xuất hiện trong các cuộc phỏng vấn từ của các đài truyền hình thể thao phát hình các trận đấu giữa các trường đại học hoặc thể thao chuyên nghiệp. Thế mà chỉ sau một thời gian ngắn, nhìn thấy rõ là họ đã có thể trở thành người ăn bình thường, trôi chẩy khi họ đảm nhận các vai trò phân tích thể thao (sport analysts) cho truyền hình Mỹ trong các trận đấu.

Đã có nhiều ý kiến cấp tiến khá mạnh dạn cho rằng giải quyết vấn đề ngọng phải bắt đầu ngay từ lớp thấp nhất của trường tiểu học. Các trường sư phạm đào tạo thầy giáo, cô giáo tiểu học được đề nghị sẽ phải bắt buộc có điều kiện thu nhận khắt khe: Chỉ thu nhận thí sinh, sinh viên (làm thầy giáo trong tương lai) không ngọng. Có như vậy thì mới mong tìm ra lời giải, cách xuyên phá được vòng lẩn quẩn (dirty cycles), của bài toán «ngọng.» Tình trạng ngọng hiện nay ở trong nước thật đáng bi quan: Nhiều trường học của các huyện nằm ngay trong thủ đô, cái nôi văn hóa, Hà Nội (huyện Đông Anh hay Mỹ Linh chẳng hạn) có đến 30-40% tổng số học sinh tiểu học nói ngọng và 20-30% giáo viên ngọng - mà cả thầy Hiệu trưởng và «Hiệu Phó» cũng ngọng luôn thể!

«Còn trời còn đất còn non nước
Có lẽ ta đâu (ngọng) mãi thế này.»

Trần Văn Giang
7/20/2012