Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Hình Ảnh CT Văn Nghệ Tết Quý Tỵ Ngày 23/02/2013 Tại Monchengladbach, Đức Quốc


Tuấn xin gởi một số hình ảnh chụp hôm Tết Quý Tỵ tại Monchengladbach. Rất cám ơn cộng đồng bên Đức, đặc biệt là chú Ri đã tiếp đón thật tốt. Tổ chức chu đáo và chương trình văn nghệ rất hay.

Tuấn

Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

Hình Ảnh CT Văn Nghệ Tết Quý Tỵ Ngày 16/02/2013 Tại Troyes


Kính mời quý vị thưởng thức một số hình ảnh ghi lại chương trình văn nghệ Tết Quý Tỵ đặc sắc do cộng đồng người Việt tại Troyes tổ chức vào ngày 16/02/2013 vừa qua tại :

Salle Polyvalente de Saint-Julien-les-Villas
18, Allée du Château des Cours
10800 Saint-Julien-Les-Villas

Trân trọng
VPLĐXH


(Anh Tuấn ghi lại)

Thứ Hai, 11 tháng 2, 2013

ĐÔ THỊ TROYES - Bút Ký Trần Văn Trung


ĐÔ THỊ TROYES

Thông thường, tâm lý người thích du lịch muốn viếng nước xa, cảnh lạ, nhiều ngày, dù nhọc mệt hay hao phí. Sống tha phương tại Pháp, du hành vài ngày, ít tốn kém, thêm hiểu biết, hoà đồng chung vui giữa khách xa và người địa phương, là chuyến đi thăm đô-thị TROYES.

Đa số đã xem phim ảnh, thường nhầm lẫn TROYES và TROIE, khi phát âm, cùng đồng thanh với nhau. Sự khác biệt giữa hai địa danh được lược tả như sau:


+ TROIE hay ILION

Địa điểm thuộc xứ Trung - Á (Asie mineure). Theo truyền thuyết, là nơi chống cự dân Achéens, được  ca ngợi trong bài thơ Homère (Iliade). Nơi mang tên TROIE, gần làng Thổ Nhĩ Kỳ Hissarlik (xưa gọi Pergame). Hai khảo cổ gia người Đức SCHLLIEMANN và phụ tá DÖRPFELD tìm thấy 9 di tích cổ do người tạo cất kế tiếp nhau mà xưa nhứt vào khoảng 3.000 năm trước công nguyên, và cuối cùng năm 600 sau Tây lịch. Họ phỏng đoán thành TROIE thứ 7 có từ năm 1.500 -1184 trước Tây lịch, và chính là nơi chiếm cứ bởi dân Achéens.

Homère, thi sĩ Hy-Lạp, tác giả các bài thơ Iliade  và Odyssée, sống tại xứ này lối 700 trước công nguyên. Thi phẩm Iliade, tả sự kiện xảy ra từ 1.250, trước Tây lịch, được hoàn tất 5 thế kỷ sau (lối  năm 725 trước Tây lịch). Ông thuật cảnh chiến tranh tại TROIE, một huyền sử và chuyện hiện thực (la guerre de TROIE). Sự tích được diễn tả qua phim ảnh với mỹ nhân Hélène de TROIE, là công chúa Hy-Lạp đẹp tuyệt trần, bị PÂRIS bắt cướp, do đó Hy -Lạp tấn công chiếm TROIE. Một con ngựa gỗ khổng lồ (cheval de TROIE) do dân Hy-Lạp bỏ lại trước thành TROIE. Dân Troyens đẩy ngựa chở chứa chiến sĩ  trốn dấu trong bụng ngựa, tiến và chiếm cứ thành.

I.- TROYES

Đô thị lịch sử của tỉnh AUBE, vùng CHAMPAGNE tại Pháp, nằm cạnh sông Seine cách Paris 158 cây số nơi  Đông-Nam. Dân số nơi đông nhứt, được thống kê hơn 50 năm (1968) gồm có gần 100.000 dân. Đô thị này, xưa là địa phận của Thiên-chúa giáo, phong phú về di tích tài sản, là nơi duy nhứt kéo lôi du khách đến tỉnh Aube.

Vùng Champagne (latin = CAMPANIA) gồm nhiều cánh đồng trống trải. Nơi này là trục giao thông từ Nam Âu châu xưa, nối xứ Ý  đến các đảo Anh  quốc, xuyên từ sông Rhône, tỉnh Bourgogne và đồng bằng miền Bắc. Trục lộ này  nối liền các xứ sông Loire, lưu vực Paris đến nước Đức. Hệ thống xa lộ ngày nay thay đường xưa cũ, đã tạo nơi này thành ngã tư thương mại quốc tế. Trong khi  REIMS tỉnh giáp ranh hướng Bắc vùng Marne chuyên về kỷ nghệ đồ nỉ, Troyes với tỉnh Aube, lại chuyên từ Thế kỷ 18 về hàng mũ áo, đồ đan và trở thành trung tâm thương mại chuyên sản xuất loại này.

1 -- LƯỢC SỬ

Bộ lạc Gaulois Tricasse tìm được nơi cư trú đắc ý. Ba nhóm chiến sĩ (Tricasses),  không chống lại CESAR, để quân La-Mã đô hộ. La-Mã (năm 22-11 trước Tây lịch), cho thế hệ cũ thành La-Mã một mầm sinh sống son trẻ mới, nối liền từ Milan (Ý) đến BOULOGNE-SUR-MER (đô thị Pas-de-Calais, miền Bắc nước Pháp).

Đô thành là một trong các tỉnh cai trị bởi Auguste, do đó tỉnh mang tên Auguste Bona Tricassum. Được thiên chúa giáo hoá, TROYES có một Hồng-y, khi từ năm 451, ATTILA đánh mạnh vào cổng tỉnh thành, ông thánh LOUP tự hiến thân nạp mình cho dân HUNS, để tránh giết cướp dân. Vài thế kỷ trước (720), quân Sarassins thổ tiêu, cướp chiếm TROYES, bị hoả thiêu bởi dân Normands. Nối tiếp theo là những cuộc hoả hoạn đến 1188, 1524. Đầu 1985, những kiến trúc cổ xưa cũng bị thần hoả thiêu đốt.

Cuối thế kỷ X, dòng họ công hầu Champagne, uy thế mạnh, bắt đầu chiếm cứ và xây một lâu đài phòng thủ theo kiến trúc thời phong kiến (bị tiêu huỷ tứ thế kỷ XIX). Từ đầu thế kỷ XII, vua Henri 1er truyền lịnh xây cất 13 giáo đường và 13 bịnh viện (công hầu này không tin số xấu là 13).

Thibaud II LE GRAND (1125-1152), thi sĩ tạo nơi vùng Champagne thành ngã tư quốc tế Âu-châu  cho thương gia tài chủ nước Đức sang buôn bán hàng vải, gia vị thực phẩm Địa trung hải. Đồng thời tổ chức các Hội Chợ Champagne: mùa Hè: Hội chợ Nóng (Foire Chaude), mùa  Đông: Hội chợ Lạnh (Foire Froide). Trong các thế kỷ  XII, XIII  TROYES là đô thành vùng Champagne, chuyển mạnh ngành thương mãi.

Vua  Henri 1er Le Libéral, rời bỏ lâu đài cũ và cho xây cất một đền đài mới: Château de Dampierre (Place du Préau). Ông cho lập một học viện, với Thư viện giá trị. Khi Henri 1er mất, vợ ông, bà Marie de France là công hầu Champagne, kết hợp tại quanh đô thị TROYES, các văn thi sĩ, nhà quý phái giàu sang, sống vương giả. Dân Thiên Chúa Giáo TROYES đào tạo những nhà hiệp sĩ (chevaliers).

Ông Thibaud IV le Chansonnier (1201 -1253) thi sĩ tài, nhưng chánh trị  gia  kém, đã cho thiết lập một thành lũy quanh đô thị TROYES theo hình nút ve chai champagne (đầu nhỏ bằng, đầu to bầu nhọn).

Từ 1284, TROYES và vùng CHAMPAGNE hợp tác với vương tước Champagne, và với vua Philippe Le Bel. Nhưng chiến cuộc với dân Flandres đã làm tiêu tan các Hội Chợ Nóng, Lạnh trên tại Champagne. Bà Jeanne de Navarre, nữ công hấu chót của Champagne kết hôn với vua Philippe le Bel.

Một cộng đồng Anglo-Bourguignonne (Anh-Bourgogne), đến chiếm TROYES từ chiến  tranh Trăm  Năm giữa Anh Pháp (Guerre de Cent Ans).

Ngày 21-5-1420, vua Charles VI, dưới ảnh hưởng của ISABEAU DE BAVIÈRE, nữ hoàng Pháp, vợ ông, sanh quán tại Munich, thi hành Hiệp định TROYES và dâng hiến tỉnh TROYES cho vua Henri V, kẻ chiến thắng. Đồng thời dâng cả ái nữ là Catherine de France cho vua Anh. Hôn lễ được cử hành tại nhà Thờ St JEAN AU MARCHÉ ngày 02-6-1420.

Ngày 09-7-1429, nữ anh hùng Pháp JEANNE d’ARC dẫn vua Charles VII  đến giải phóng REIMS và giải toả TROYES dưới sự thống trị của Anh.


2 -- CẢNH TRÍ ĐÔ THỊ

Trung tâm đô thị TROYES là địa phận Thiên chúa giáo, đầy dẫy những thánh đường: Nhà Thờ Lớn St-PIERRE và ST PAUL (thế kỷ  XIII đến thế kỷ XVIII), Đại Giáo đường Ste MADELEINE, các Thánh đường ST JEAN, ST URBAIN (thế kỷ XIII)…

Những kiến trúc di sản quốc gia khác được nổi tiếng được du khách thường viếng gồm có: Trung tâm lớn của Pháp chế tạo cơ khí, máy móc, Trung tâm sản xuất hàng mũ nón, áo quần, đồ đan danh hiệu (marques).  Các hãng xưởng chế may áo quần, mũ nón danh tiếng đa số được đặt ở ngoại ô Đô thị TROYES (khu vực PONT SAINTE MARIE ST ANDRÉ LES VILLAS).  

Du khách thường viếng, ngoài các Thánh đường cổ xưa, các Thư Viện Bảo tàng (Hôtel de Mauroy) chứa hơn 35.000 sách quý hiếm, hơn 25.000 dụng cụ thời cồ được áp dụng kiến trúc đặc thù địa phương chế tạo vật dụng ngày xưa (outils d’antan).

Những họa sĩ, sơn vẽ, điêu khắc lưu dấu các tác phẩm tượng trưng nét vẽ đơn sơ, lập dị, tả sơ sài cảnh bờ sông, tĩnh vật, tô màu các phong cảnh thiên nhiên, đường phố cũ (fauvisme). Danh từ này xuất phát từ thời Louis Vauxelles (thế kỷ XX). Họa sinh được gọi là «FAUVES», vẽ theo lối Van Gogh, Matisse, Picasso, Levy và các họa sĩ hậu tấn khác. Những Viện Bảo tàng danh tiếng khác tại TROYES gồm có các viện: Tân Mỹ nghệ, Mỹ thuật, Bào chế dược liệu.


II.-  MỤC ĐÍCH DU HÀNH

Phái đoàn du ngoạn TROYES tốc hành trong hai ngày thứ bảy 12-1-13 và chủ nhựt 13-1-13, do Văn phòng Liên Đớí Xã Hội Paris tổ chức, gồm  55 người trên xe car, và 2 xe du lịch tư. Đa số là các thanh niên, thanh nữ, một số vị cao niên tuổi gần thượng thọ và một bà lão 92 tuổi. Tổng cộng trên 60 người.

Chủ đích chuyến du hành nhắm vào ba việc chánh: viếng đô thị TROYES, mua sắm vật dụng, áo quần mũ nón bán hạ giá (từ 20% đến 70 %) và dự tiệc hội ngộ đồng hương.


1.- MUA SẮM HÀNG HÓA

Các trung tâm bán y phục, hàng «marques» gồm có hai nơi chánh:

a/ -- Làng MARQUES (Village  de Marques) (Marques CITY)

gồm các hãng chế tạo y trang mũ nón (magasins d’usine) và các gian chưng bày bán đủ các loại y phục tân thời, xưa nay có danh hiệu: Lacoste, Samsonite, Yves Saint Laurent, Lee… Những áo quần nam, nữ, trẻ con, valise, máy móc… được chế tạo nhập cảng từ các xứ sang Pháp: Ý, Đức, Anh… và tập trung bày bán nơi đây, ngoài hàng Pháp. Địa điểm cách Trung Tâm TROYES lối 4 cây số rưỡi về hướng Đông Bắc.
     
Từ 1990, tại vùng ngoại ô TROYES, Pont Sainte Marie, Trung Tâm này mang tên Mc Arthur GLEN  được lập trên khoảng đất trống vài mẫu. Những gian nhà lớn được cất nối liền nhau, và được phân chia cho các Hiệu danh tiếng (MARQUES) mướn bày bán đủ loại y phục, nón giày… theo thời trang: Ralph Laurent, Cerruti, Guess, Kenzo, Calvin Klein, Cardin, Burberry, Quiksilver, Chevignon… Trước các cửa hiệu là hành lang rộng nối dài, để khách hàng tránh mưa nắng đi lại dập dìu, chọn loại hàng ưa thích, hạ giá rẻ, vào mua theo túi tiền, hoặc dạo ngắm xem. Hai bãi đậu xe rộng lớn bên ngoài, và giữa nội khu Trung Tâm, được xe lớn nhỏ du khách từ nước khác và tỉnh xa đến đậu đầy nghẹt, khi bán đại hạ giá. Trung Tâm này gồm nhiều xưởng, được xây cất, dùng chứa  những loại hàng hoá y phục, bán không hết, hoặc chẳng hợp thời trang. Do đó hàng hiệu được giảm giá từ 20%, 30% đến 70 %, được khai trương từ đầu năm 1990 cho du khách đến mua hàng.


Sau khi viếng các gian hàng tại Trung Tâm Mc Arthur GLEN này, và mua một ít hàng hoá bán hạ giá, phái đoàn được đại diện đô thị TROYES đưa đến tiệm ăn lớn FLUNCH để ăn trưa. Du khách khắp nơi từ xa đến, tuỳ ý lựa chọn thức ăn theo sở thích: thịt nướng, cá chiên và đủ loại khác. Phái đoàn được đưa đến một Trung Tâm khác, bán hàng MARQUES tại TROYES.

b/ --Trung Tâm  «MARQUES AVENUE»

Trung Tâm này cách đô thị TROYES, về hướng Đông Nam độ 5 phút theo đường xe chạy, nằm cạnh Av. de la Maille tại địa phận St André LES–VILLAS. Khu vực thương mãi gồm có 6 gian nhà lớn biệt lập, cất theo xưởng hãng, nằm sau đại lộ DIJON. Nơi đây chưng bày đủ loại y phục, mũ nón, giày, valise, cho khách hàng nam nữ. Một gian nhà được dành cho y trang trẻ em. Một gian lớn khác được cất bên kia đại lộ DIJON, dùng làm các kho chứa hàng duy nhứt: Petit Bateau, Lacoste và Adidas.

Trung Tâm này gồm có 240 loại hàng y phục danh hiệu MARQUES, kiểu mẫu hợp thời trang. Ngoài ra còn bày bán các loại khác: màn, vải bọc nệm, valise, giày, áo quẩn thể thao, dụng cụ trang trí tư gia.

Du khách từ xa đến, và thuộc phái đoàn, nhứt là giới phụ nữ, mặc tình lựa chọn, mua sắm hàng hạ giá rẻ, mang về xài, tặng bạn bè…

Sau  khi nhận phòng khách sạn hạng bình dân Mister Bed TROYES, xe car và 2 xe nhà riêng trực chỉ đến làng CHAMOY, nằm trên quốc lộ N77, hướng AUXERRE, cách TROYES  25 km, để ăn tối và dự văn nghệ giải trí.

2.- DỰ TIỆC HỘI NGỘ ĐỒNG HƯƠNG

Địa điểm ăn tối là Salle Polyvalente tại làng CHAMOY. Một gian phòng rộng lớn được sắp xếp sẵn cho 3 hàng bàn dài, dành du khách Paris đến (hơn 60 người), một dãy bàn nhỏ hơn, riêng bên cánh trái cho lối 15 vị chủ nhơn tổ chức. Phía cánh phải là một bàn nhỏ, chưng bày những tác phẩm điêu khắc tại địa phương TROYES.

Buổi tiệc cơm hỉ hạ với thức ăn mỹ vị VN do các bà cô VN tại TROYES trổ tài nấu nướng, cùng rượu ngon vùng Champagne được dọn mời khách Paris.


Trước khi nhập tiệc, Ô. Lê Ngọc Khoa, biệt danh «ANH KHOA», một điêu khắc gia VN ly hương và định cư tại TROYES đã thuyết trình chào mừng phái đoàn VN từ xa đến. Đại diện ban tổ chức đã giới thiệu ban quản trị hội Ái hữu đồng hương tại địa phương TROYES gồm :

-  Ô. Mai văn Tánh, cựu Giáo Sư Trường Kỹ Thuật PHÚ THỌ, VIỆT ĐỨC, CAO THẮNG,  Sàigòn  khi xưa, một vị cao niên tại TROYES.
-  Ô. Lê văn Phúc, Hội Trưởng Hội Ái Hữu, một nhạc sĩ trẻ, cùng Bà Tổng Thơ Ký Hội.
-  Quý phu nhơn và các cô thiếu nữ trong ban tổ chức và trưởng nam anh chị Khoa từ Úc về.

Đại diện Anh Khoa còn trình bày với các vị khách Paris những công trình sáng chế của tác giả điêu khắc gia. Nhà nghệ sĩ giới thiệu vài tác phẩm  điêu khắc mà ông đã miệt mài  thực hiện trong 6 năm qua. Những nghệ phẩm được tạo thành kết hợp các loại đá, gổ, kim khí, hoặc linh tinh khác, gồm các vật liệu phế thải để tạo thành những tác phẩm tuỳ theo sự tưởng tượng của  anh. Anh đã chế  tạo các tượng dị hình, mỹ thuật qua cách «nhìn bằng trái tim» của anh, ban cho chúng các biệt danh như «Thiên thần bình yên», «Tình Mẫu Tử», «Những Nhân Phẩm» …Từ những vật vô tri, anh đã biến thành biệt phẩm có tình cảm, tâm tư qua hình dung tưởng, nghĩ của tác giả, và quan niệm mẫn cảm của người xem.


Những tác phẩm do Anh thực hiện được trình bày trong cuộc triển lãm điêu khắc nghệ sĩ từ 27-3 -2006 đến 14-4 -2006 tại Trung Tâm Văn Hóa của thành phố La Chapelle ST.LUC, TROYES. Phụ tá Thị Trưởng Đô thị Ô. Gérard FRIDBLATT đã ngợi khen biệt tài điêu khắc gia VN «trình bày thành bằng chứng một chủ nghĩa nhân ái xuất chúng».

Bữa tiệc hội ngộ đồng hương được kéo dài qua buổi ăn tối đầy khẩu   vị, với chương trình văn nghệ «karaoké» nồng nhiệt và khiêu vũ, tài tình giữa chủ khách.

Buổi hội ngộ nào, dù đầy ý nghĩa cũng tàn. Qua sự cảm tạ giữa đại diện ban tổ chức và phái đoàn, một bài thơ, mộc mạc sau đây được ứng khẩu trình bày kết thúc lúc chia tay, ngợi khen Đại diện tổ chức tiệc hội ngộ đồng hương, lúc giao thời năm mới 2013 và đón Xuân QUÝ TỴ:


ĐIÊU KHẮC GIA «ANH KHOA»

Nghệ sĩ nổi tiếng tại tỉnh TROYES
Điêu khắc vang danh LÊ NGỌC KHOA
Tĩnh vật đầy tâm hồn ẩn ý
Sáng như Thu - Nguyệt, đẹp như hoa (1)
Van Gogh vẽ lập dị tạo ra
Matisse phác họa cảnh qua loa
Gỗ đá vô tri mang cảm giác
Người Việt biệt tài là «ANH KHOA»

(1) Điêu khắc gia ANH KHOA cắt mảnh kim khí mỏng tỉa thành hoa lá, chà bóng láng, sáng như Thu-Nguyệt (tên chị Anh Khoa).

Tiệc mãn, chủ khách từ giã trong niềm nuối tiếc, vì bác tài xế chạy trong ngày quá giờ ấn định. Phái đoàn du ngoạn hứa sẽ trở lại vui Tết Quý Tỵ do Hội Ái Hữu người Việt Tự Do tại TROYES sẽ tổ chức ngày 16-2-2013 nơi phòng lễ lớn tại ST JULIEN LES VILLAS.

Qua 1 đêm an giấc điệp, ngày hôm sau chủ nhựt 13-1-2013, thay vì thăm viếng địa danh thành phố TROYES như dự trù, do anh «Anh Khoa» hướng dẫn, Văn Phòng LĐXH chở du khách Paris đến «tái viếng» Trung Tâm  Mc Arthur GLEN làng MARQUES, để quý anh chị em rốc túi mua hàng đại hạ giá  về nhà diện mặc, hoặc mua bánh kẹo, quà tặng về biếu thân nhân con cháu, trong hơn 3 giờ dạo quanh lạnh buốt xương.


Buổi trưa hôm ấy, vì các tiệm ăn, khách sạn đóng cửa hoặc đầy du khách, phái đoàn không có dịp thưởng thức 2 món ăn địa phương thuần túy là Andouillette (dồi heo nhỏ) và Foie gras (gan ngỗng, vịt) tại tửu lầu «La Cordelière TROYES» với giá phải chăng (thực đơn 12,50 € và 22 €). Do đó, đoàn du lịch bụi đời 54 vị đành trở lại tiệm FLUNCH ngày trước để ăn dằn bụng đỡ đói với tất cả thức ăn của tiệm còn chưng bày và lấy trong tủ lạnh chứa dành lại cho ngày hôm sau nữa để thỏa mãn du khách da vàng Á châu !

Để kết luận cuộc du ngoạn 2 ngày tại TROYES vừa rẻ tiền vừa mua sắm y trang hạ gíá lại được ăn tiệc ngon, uống rượu địa phương Champagne nổi tiếng, nghe nhạc, khiêu vũ, thật là 1 chuyến đi đầy lợi ích vì «nhứt cử tam tứ tiện» (một việc làm ba bốn tiện lợi).

Đường về nhà chỉ mất hơn 2 tiếng chạy xe thông suốt nhưng vào Paris lại bị tắt nghẽn, cấm vào trung  tâm, nên kẹt rất lâu. Lý do là vì có hơn 1 triệu người xuống đường biểu tình chống hôn nhơn đồng tính luyến ái          (mariage pour tous, hay mariage homosexuel).

Nhưng liệu cuộc phản đối có thành công chăng, khi chánh quyền Pháp khăng khăng quyết dịnh ủng hộ chương trình, theo kịp đà tân tiến các nước lân cận Âu châu, hay đà thoái hoá xuống dốc về luân thường  đạo lý như quan niệm của đa số những người bảo vệ lý tưởng theo luật tự nhiên của tạo hoá, tức: cha là đàn ông, mẹ là đàn bà và con là  lưu truyền nòi giống ?
       
Như thường lệ, sau mỗi chuyến du ngoạn, dù dài hay ngắn hạn, tác giả bài tường thuật thường viết hồi ký, kèm thêm hình ảnh của các nhiếp ảnh viên phái đoàn để quý vị đồng hành lưu niệm và tự làm tăng thêm kiến thức. Một điểm sơ suất trong chuyến đi này là sự thiếu sót tìm hiểu lý do của buổi tiệc đêm 13-1-13 tại làng CHAMOY (TROYES), mà toàn phái đoàn du lịch, kể cả Văn Phòng Liên Đới Xã Hội đều quên nghĩ đến.

Trước khi kết thúc bài lược ký, tôi truy hỏi gián tiếp người trong ban tổ chức thì mới biết đó là buổi tiệc kỷ niệm 35 năm lập gia đình của Anh Chị Lê Ngọc Khoa mà các đương sự đã vô cùng giữ kín đáo, chỉ yêu cầu:   «khách xa đến dự, chỉ mang theo nụ cười và ánh mặt trời». Xin chúc Anh Chị Khoa thêm 50 năm hạnh phúc hòa đôi nữa.

Tin giờ chót, theo sự thông báo của hành tinh vũ trụ :

Ngày 02-2-13, Văn Phòng Liên Đới Xã Hội sẽ tổ chức tại Paris (quận 13) một buổi tiệc tất niên Nhâm Thìn. Một nhóm đồng hương 13 người của  Đô thị TROYES sẽ lên dự. Thật quả là số 13 là số hên nhứt ! Văn Phòng Đới Liên Xã Hội, cùng với sự yểm trợ của Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Tự Do tại Pháp, Hội Ái Hữu Người Việt Tự Do vùng Val de Marne và Hội Phụ Nữ Âu Cơ tại Paris, vừa tổ chức văn nghệ mừng Xuân Quý Tỵ như đã hứa.

Buổi tìệc mừng Xuân, đón Tết Quý Tỵ 2013 đã diễn ra trong bầu không khí sôi động, nồng nhiệt tại Thánh Đường Saint Hippolyte quận Paris 13, với hơn 100 người VN và Pháp tham dự và nhóm đồng hương 13 người VN từ TROYES đến hợp tác mừng Xuân.

Ngoài chương trình hấp dẫn gồm các bài tân cổ, ca nhạc, hài kịch, các em thiếu nhi VN múa vũ, nhớ lại cảnh quê nhà VN khi xưa, phái đoàn TROYES đã trình bày trước khán thính giả đồng hương Paris và phụ cận:

- Bài  diễn văn của bà Dương thị Ngọc Hiền, Tổng Thơ Ký Cộng Đồng người Việt TROYES, tỏ bày cảm tưởng,
- Bài ca «Rực Bóng Cờ Vàng» của  Điêu khắc gia «Anh Khoa» sáng tác và  trình diễn với sự hoà nhạc Tây ban cầm của  Anh Lê văn Phúc, Hội Trưởng Hội Ái Hữu Cộng Đồng người Việt Tự Do tại TROYES,
- Điệu sáo du dương ai-oán của Anh Đặng Vi Khanh, một  «tiêu sơn cựu chiến sĩ» khi xưa, trình bày bản «Lòng Mẹ», đã diễn tả nỗi lòng nhớ «Mẹ Hiền, và Mẹ VIỆT- NAM» bất diệt.

Quý hoá thay, tình đoàn kết, nghĩa đồng hương của các Cộng Đồng người Việt tại Paris và tại TROYES, đã lưu truyền văn hóa nước nhà, tại nơi Phòng Hội Thánh Đường Saint Hippolyte có tiếng tại Paris mà Cộng Đồng Trung Hoa đã sử dụng nó để biến thành Trung Tâm phổ biến văn hóa Tàu, dạy chữ Hán, cho lớp trẻ của họ, sống nước ngoài tại Paris.


PARIS ngày 02-02-2013
TRẦN VĂN TRUNG

Thứ Hai, 4 tháng 2, 2013

Hình Ảnh CT Văn Nghệ Tết Quý Tỵ Ngày 02/02/2013


Kính mời quý vị thưởng thức một số hình ảnh ghi lại các sinh hoạt cũng như diễn biến của chương trình văn nghệ Tết Quý Tỵ do VPLĐXH tổ chức vào ngày 02/02/2013 vừa qua tại nhà thờ Saint Hippolyte, 27 avenue de Choisy, salle 27, Paris quận 13.

Đa tạ quý vị đồng hương đã đến tham dự đông đảo. Đa tạ các cô chú bác cùng các anh chị đến từ Troyes đã không ngại đường sá xa xôi để ghé đến chung vui cùng chúng tôi. Đa tạ các thân hữu, nhạc sĩ, ca sĩ và nhất là các em thiếu nhi của lớp Việt Ngữ Văn Lang đã hết mình đóng góp công sức để hoàn tất chương trình văn nghệ này.

Nếu có thiếu sót gì trong sự tiếp đón cũng như cách tổ chức, kính mong quý vị lượng thứ cho.

Kính chúc quý vị một Năm Mới 2013 tràn đầy

A n K h a n g & T h ị n h V ư ợ n g !

Trân trọng.
VPLĐXH

 Album Trần François

 Album Anh Tuấn

 Album Nghạch Ông

 Album Phan Guillaume

Album Bác Tiệp

Hợp múa "Chiều Lên Bản Thượng"


và "Chiếc Áo Bà Ba" qua sự trình bày của các em thiếu nhi lớp Việt Ngữ Văn Lang Paris - Đặng Bích Phương quay phim

Paris Văn Nghệ Mừng Xuân Quý Tỵ - phóng sự do Bích Xuân thực hiện

Vở Kịch "Gà Đẻ Trứng Vàng" qua sự trình bày của các em thiếu nhi lớp Việt Ngữ Văn Lang Paris - Bích Xuân thực hiện

VPLĐXH xin được phép đăng lên đây lá thư chia sẻ của anh Lê Ngọc Khoa gởi đến chúng tôi qua điện thư :

Kính chào Cô Bác, Anh Chị, 
Chào các em thân mến !

Thật là một vinh hạnh cho anh chị em của Cộng Đồng Người Việt Tỉnh Aube khi được VPLĐXH Paris mời đến xem và tham dự Chương Trình Văn Nghệ Tết Quý Tỵ 2013 ngày Chúa nhật vừa qua tại hội trường nhà thờ Saint Hippolyte.

Sự ân cần tiếp đón, khung cảnh trang nghiêm của buổi lễ, lễ chào Quốc kỳ, lì xì cho các em thiếu nhi, các tiết mục văn nghệ dồi dào, đặc sắc và đặc biệt, hiếm quý nhất là sự hiện diện thật đông của các em thiếu nhi qua các màn múa, đọc, hát tiếng Việt thật xuất sắc. 

Đó là một điểm son, hiếm quý, nói lên tình yêu Quê Hương và xuyên qua đó mà chúng tôi thấy một sự NỖ LỰC VƯỢT BỰC của tất cả CÔ BÁC, ANH CHỊ EM trong VPLĐXH đã từ nhiều năm qua đóng góp công sức, tiền của và hy sinh thời giờ quý báu của mình .

Trong dịp này, anh chị em của Troyes cũng được VP cho góp mặt trong phần văn nghệ, điều đó nói lên tính cách cởi mở, liên kết trong sinh hoạt của VPLĐXH và tạo điều kiện tốt đẹp cho Đồng hương cũng như các Hội đoàn Người Việt đến gần với nhau hơn.

Mong rằng chuyến đi Troyes vừa qua và buổi Văn Nghệ Tết của VPLĐXH hôm thứ bảy 2 tháng 2 2013 sẽ là những khởi điểm tốt đẹp của chúng ta cho ngày mai trên nhiều phương diện...

Cuối thư, một lần nữa xin mạn phép thay mặt anh chị em CĐNVTD Tỉnh Aube, chân thành cảm tạ sự ưu ái của Cô Bác, Anh Chị và các Em VPHLĐXH Paris cùng các thân hữu xa gần đã mở rộng vòng tay với chúng tôi trong ngày Tết Truyền Thống Việt Nam.

Kính chào Thân ái.
Khoa, Troyes

Tái bút : Xin nhắc lại lời mời của chị Hiền, TTKý của CĐ Aube về việc Tết Nhâm Thìn tại Troyes sẽ được tổ chức vào ngày 16-2-2013, từ 19h30 tại :

Salle Polyvalente de Saint-Julien-les-Villas
18, Allée du Château des Cours
10800 Saint-Julien-Les-Villas
(ancien Bowling)

Xem affiche đính kèm dưới đây :



Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2013

Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nói chuyện cùng Đồng Bào Toàn Quốc vào ngày 24/10/1972































Đừng để tiếng Việt bị ô nhiễm bởi "ngôn ngữ chat"


Với phương pháp rút gọn về ngữ pháp và từ vựng, "ngôn ngữ chat" đã đáp ứng nhu cầu về tốc độ nhắn tin trên điện thoại di động hay giao tiếp trên mạng của người sử dụng. 

Tuy nhiên, sự biến tướng của "ngôn ngữ chat" đã làm méo mó ngôn ngữ tiếng Việt và ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức, nhân cách của thanh thiếu niên. 

Lạ hóa tiếng Việt hay dị hóa tiếng Việt? 

"2! hoc han nan ne wa co ui. hom wa kon lai bi me la. kon k bit lam ji de het bun day", (tạm dịch là: Chào cô. Học hành nặng nề quá cô ơi. Hôm qua con lại bị mẹ la. Không biết làm gì để hết buồn đây). Khi nhận được tin nhắn của cô cháu tuổi mười lăm, ban đầu tôi cứ ngỡ đó là tiếng Anh. Đến khi hỏi con gái, tôi mới biết được đó là... "ngôn ngữ chat". 

Theo con gái vào mạng internet, tôi thật sự rối mắt với một thứ ngôn ngữ không có trong từ điển của bất cứ tiếng nước nào. Sự sáng tạo theo cách viết ở đây quả là có một không hai. Chữ nghĩa đã được đơn giản hóa đến mức tối đa theo cách phát âm, viết tắt và theo... quy luật tuổi teen. Chẳng hạn "2" có nghĩa là "xin chào", "yêu" thì được viết thành "iu", "buồn" hay "muốn" đều được bỏ chữ "ô", những chữ "nh" thì giản lược bớt một chữ "h". Việc chấm, phẩy hay viết hoa đầu câu đều trở nên không cần thiết... 

Dù để nói nhanh, viết gọn hay vì lý do nào đi nữa thì mục đích cuối cùng của giao tiếp là để người khác hiểu được thông tin mà mình muốn truyền đạt. Thế nhưng với "thế giới teen", ngoài đạt tốc độ nhanh, từ ngữ nào càng lạ, càng khó dịch nghĩa thì các em càng ưa chuộng, mặc cho người đọc, người nghe phải đoán già, đoán non và việc nói một đằng, hiểu một nẻo là thường xuyên xảy ra. 

Chính vì những suy nghĩ nông nổi như thế mà các em đã làm cho tiếng Việt bị xâm hại một cách nghiêm trọng. Các em sử dụng tiếng Việt một cách bừa bãi, cẩu thả và không đúng nghĩa trong sáng của nó. Một số em còn thấy mình "lạc hậu" nếu không dùng theo lối "chat" của bạn bè. Và cứ thế, hiện tượng sử dụng tiếng Việt theo kiểu "ngôn ngữ chat" đã lan ra khắp giới trẻ và trong cộng đồng dân cư mạng như một mốt thời trang mới. 

Em N. cho biết: "Ban đầu, cháu cũng không thích dùng "ngôn ngữ chat". Khi nhắn tin cho các bạn, cháu dùng cách viết bình thường, đúng chính tả thì bị các bạn cho là "quê", có bạn còn không trả lời. Cháu nghĩ chỉ viết tin nhắn chơi thôi nên cháu cũng sử dụng "ngôn ngữ chat" cho giống các bạn. 

Riết rồi quen, bây giờ cháu không nhắn tin theo cách viết trước đây nữa". Còn với em T. thì lý do em sử dụng “ngôn ngữ chát” chính là để thử trí thông minh của mình khi đọc tin nhắn của bạn và cũng thử xem bạn có thông minh như mình không (!?). 

Cần biết nói không với "ngôn ngữ chat" 

Để "ngôn ngữ chat" không bị lạm dụng, cần phải có sự khoanh vùng "ngôn ngữ chat". Nhà trường cần nghiêm cấm việc sử dụng "ngôn ngữ chat" trong các bài viết. Các cơ quan thông tấn báo chí, nhất là báo mạng phải đi đầu trong việc sử dụng từ ngữ một cách thành thật, trong sáng và đúng chuẩn, nhất là khi đăng (post) ý kiến của độc giả. Những nơi công cộng cần quy định nghiêm cấm việc sử dụng "ngôn ngữ chat", tiếng lóng hay những từ ngữ tục tĩu. Và cũng rất cần thiết để thực hiện cuộc vận động Nói không với "ngôn ngữ chat". 

Hệ lụy của "ngôn ngữ chat" 

Không chỉ dừng ở việc chat, ngôn ngữ kiểu xì -tin này đã đi vào cả bài vở và giao tiếp hàng ngày của học sinh. Cô C. - giáo viên, cho biết, có em còn đưa ngôn ngữ chat vào bài tập làm văn. Cô còn tâm sự, những từ ngữ lấp lánh, những câu văn hay bây giờ trở nên hiếm hoi trong học đường... Còn chị H. thì kể rằng chị phải thường xuyên nghe và chấn chỉnh cách phát âm sai của con theo kiểu "mẹ ui", "trùi ui", "bít rùi"... 

Việc sử dụng "ngôn ngữ chat" thường xuyên sẽ làm các em không ý thức được trách nhiệm giữ gìn, phát triển ngôn ngữ dân tộc, quên đi bài giảng về sự trong sáng của tiếng Việt mà thầy cô đã dày công dạy bảo. Nếu cứ theo đà này thì thật khó để tìm những ngôn từ đẹp, lời văn hay trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Và lo ngại hơn là cách viết, cách suy nghĩ như thế sẽ hình thành thói quen lười tư duy, thiếu kiên trì, nhẫn nại trong công việc, ảnh hưởng đến nhận thức, nhân cách của các em sau này. 

Tác hại dễ thấy nhất đó là những câu trả lời cộc lốc, vô cảm như "biết chết liền", "hên xui", "bó tay"... đã trở nên phổ biến. Chất lượng học môn văn trong nhà trường còn thấp. Nhiều em nộp hồ sơ xin việc với lá đơn đầy lỗi chính tả và còn không ít cán bộ trẻ không biết soạn thảo văn bản... 

Gia đình là yếu tố quan trọng nhất tác động đến các em, từ suy nghĩ, lời nói đến hành vi. Cha mẹ là người dạy các em ngay từ tiếng nói đầu tiên và văn hóa giao tiếp ở các em chịu ảnh hưởng rất lớn từ gia đình. Chính vì vậy, cha mẹ phải làm gương và thường xuyên giáo dục con cái về sự chuẩn mực của ngôn ngữ, từ giao tiếp trong gia đình đến ngoài xã hội.

Bên cạnh đó, nhà trường là nơi để các em rèn luyện về ngôn ngữ, nói đúng, viết đúng, đúng nghĩa, đúng chuẩn và kể cả đúng chính tả. Đó cũng chính là góp phần hình thành nhân cách, nuôi dưỡng tâm hồn, ý chí và nghị lực của các em để hướng tới những mục tiêu cao đẹp. 

Hoa mắt với “ma trận” ngôn ngữ của teen

"Hum ni m en kum hem, j en mì zịt tìm đêy, thèn ku hum bữa beo, hêhê, 6h wa hey” (trích tin nhắn điện thoại của Thiên, sinh viên ĐH KHXHNV). Nếu một người lớn vô tình đọc dòng chữ trên chắc sẽ lắc đầu ngao ngán vì không thể dịch nổi những từ ngữ, ký hiệu như đánh đố của giới trẻ. 

Ngôn ngữ bị biến dạng 

Dòng chữ trên được tạm dịch: "Hôm nay mày ăn cơm không, đi ăn mì vịt tiềm đi, thằng cu hôm bữa bao, 6h qua nhé?”. Đối với những học sinh, sinh viên trường quốc tế, hàng ngày tiếp xúc với tiếng Anh trong giao tiếp, sinh hoạt thì lại có kiểu viết tắt bằng tiếng Anh. Phổ biến nhất là các từ như PLZ có nghĩa là please (làm ơn), hay OMG là Oh my God (chúa ơi!)... Chỉ riêng với WC đã vận ra đủ nghĩa: Welcome (chào mừng) hay Webcam (hình ảnh). Hay từ cám ơn (thanks you) cũng được viết tắt bằng đủ mọi thể loại: Thx, Thks, Tx hay Thaxu. 

Y., gia sư tiếng Anh cho một em học sinh lớp 8 ngơ ngác không biết giải thích thế nào khi mẹ học trò hỏi: "Em dạy tiếng Anh cho cháu kiểu gì mà cám ơn nó viết thành thầy u thế?" (Thax U). 

Không chỉ phổ biến trong tin nhắn, blog, diễn đàn, hay forum, trên các mạng xã hội như Zing Me, Facebook, MySpace hay Twitter, bệnh viết tắt cũng rất phổ biến. Các dòng status dùng để chia sẻ tâm trạng thường xuyên là nơi triển lãm, trưng bày các câu, từ viết tắt, ký hiệu tất nhiên, chỉ có giới trẻ mới biết, mới hiểu được. Một ví dụ trên một trang facebook cá nhân: “Hum ni, gặp ex of m tại wan café mới mở, zòm cũ như vẫn, thik hey, t hem nói j, j cứ j”. Tạm dịch: “Hôm nay, gặp người yêu cũ của mày tại quán café mới mở, nhìn vẫn như cũ, thích ha, tao không nói gì, đi cứ đi”, trích facebook Sakura _bmt. 

Việc sử dụng những ký hiệu trên bàn phím máy tính dường như trở thành một “chuẩn mực” của việc bộc lộ cảm xúc người viết. Thay vì phải nói tôi buồn, chỉ cần gõ T _T, tức một khuôn mặt đang khóc với 2 hàng nước mắt là chữ T. Còn vui ư, chuyện nhỏ, chỉ cần ^^ là người đọc biết ngay chủ nhân của nó đang vui hay có chuyện hài lòng. Trạng thái tức giận thì được biểu hiện bằng >.< rất ngộ nghĩnh. Còn muốn nói yêu hay thích ai đó thì chỉ cần 2 ký hiệu đơn giản <3 là biểu tượng của trái tim. 

Chưa hết, tâm trạng đang ngượng ngùng thì dấu = thật thích hợp, nó được ký hiệu là =.= . Một cô nàng đeo kính cận, làm sao để nhận diện? Chuyện quá nhỏ, chỉ cần @.@ là biết cư dân 4 mắt. Cần tiền ư, không phải dài dòng hỏi vay mượn, chỉ 1 tin nhắn với biểu tượng $_$ nghĩa là cần bao nhiêu?"... 

"Bắt mốt thứ ngôn ngữ thời thượng với cách viết tắt triệt để, sử dụng ký hiệu sáng tạo, phong phú của giới trẻ thực sự là một bài toán khó với các vị phụ huynh, thầy cô. Ngôn từ viết tắt với cách biến tấu kinh ngạc trong giới hạn của 160 ký tự cho phép của một tin nhắn thực khiến người ta phải sửng sốt. Chỉ mất 350 đồng một tin nhắn mà có thể chép cả 1 đoạn thơ chỉ bằng cách đưa ký hiệu hay rút gọn ngôn từ chính thống. Quá hấp dẫn, vừa vui vừa yomost", V., 23 tuổi học trung cấp tài chính chia sẻ. 

V. thường xuyên nhắn tin cho bạn bè theo kiểu cực độc, không chỉ có viết tắt và ký hiệu, mà tiếng Anh tự chế cũng được lắp ráp vào câu cú. Chưa hết, mỗi chữ cách nhau một dấu chấm. Trích nguyên văn một tin nhắn của Vi: “A.pít.chìu.e.pan. E.j.cug.pan.ui.zia.mai.j.en.tc.cui.zoi.A.A.toi.rc.E.ok” (Anh biết chiều em bận. Em đi cùng bạn rồi về, mai đi ăn tiệc cưới với anh. Anh tới rước em nhé?). 

Anh trai của V., T., 26 tuổi chia sẻ: "Hơn nó có mấy tuổi mà nhiều khi không thể hiểu nó đang nghĩ gì, viết gì, sẽ làm gì. Để chắc ăn, mình toàn phải gọi hỏi nó, sợ làm sai, hiểu sai". 

"Chấp nhận" ngôn ngữ mạng? 

Ngày xưa, có một loại mực đặc biệt được thế hệ cha mẹ bật mí cứ viết lên giấy nhưng không thấy gì, chỉ khi hơ trên lửa người ta mới đọc được. Đó là chiêu trò che giấu bí mật thời trước. Giờ thì những chiếc điện thoại công khai, màn hình vi tính sáng đèn, facebook online cả ngày, nhưng các bậc làm cha làm mẹ khó mà hiểu nổi con cái mình đang làm gì trên đó. Đơn giản vì những dòng chữ đã được mã hóa bằng hệ thống quy luật viết tắt, chỉ giới trẻ mới hiểu. 

Xung quanh việc viết tắt, cải biên ngôn từ thuần Việt, chêm ký hiệu vào câu cú có rất nhiều ý kiến được đưa ra. Tiêu biểu trong số đó là ý kiến của nhà nghiên cứu Trần Tư Bình, người rất nổi tiếng với bài luận "Viết tắt chữ Việt trong ngôn ngữ @". ông Bình chia sẻ: "Hiện nay, giới trẻ thường sáng tạo nhiều kiểu viết tắt chữ Việt, phần nhiều là chữ không dấu, khi chat trên mạng hoặc viết tin nhắn ở điện thoại di động. Đây là một trào lưu không ngăn chặn được và sẽ không bao giờ dừng lại, cho dù có nhiều quan ngại nó sẽ ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt. Người thích viết tắt cho rằng chat hoặc nhắn tin là sự trao đổi riêng tư giữa hai người, không công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, nên cũng không cần theo những quy định về câu chữ. Do vậy, nó không làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt". 

TS. Nguyễn Vĩnh Tráng, tu nghiệp tại Pháp cho rằng: "Chữ viết của giới teen, giới trẻ sáng tạo ra. Nhưng giới trẻ là tương lai của đất nước. Dẫu muốn hay không, chúng ta cũng không ngăn cản được trào lưu viết tắt của giới trẻ trong thời đại Internet, điện thoại di động mà chúng ta đang trải qua". 

TS. Lê Khắc Cường, giảng viên bộ môn Nhân học ngôn ngữ thì cho biết: "Viết tắt hay sử dụng ký hiệu hiện nay là một vấn đề phổ biến trong giới trẻ. Ngôn ngữ này có thể sử dụng hàng ngày, giữa bạn bè với nhau, nhưng trong bài luận, đơn xin việc thì tuyệt đối không. Cần phải biết chung tay giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. 

Thế kỷ 21, sự bùng nổ về truyền thông, internet biến thế giới thành một ngôi làng, mọi thông tin đều được cập nhật nhanh chóng chỉ qua vài cú nhấp chuột đơn giản. Vì vậy, việc viết tắt, sử dụng ký hiệu không còn quá xa lạ nữa bởi ưu điểm tiết kiệm thời gian, công sức, nhanh, gọn và quan trọng là người đọc vẫn hiểu". 

Xã hội thay đổi thì ngôn ngữ cũng biến đổi? 

"Với tư cách một người nghiên cứu ngôn ngữ, cũng như nhiều người yêu tiếng Việt khác, tôi luôn mong muốn cho tiếng nước mình phát triển khỏe mạnh và trong sáng. Cái lo này dựa trên cả mặt cảm tính và lý tính. Cảm tính ở đây là lòng yêu nước, yêu tiếng Việt. Nhưng về mặt lý tính, chúng ta cũng nên nhìn nhận hiện tượng này một cách khách quan vì nó là một quy luật của xã hội và của cả ngôn ngữ nữa. Xã hội thay đổi thì ngôn ngữ cũng biến đổi, và đến lượt mình, ngôn ngữ cũng tác động trở lại cuộc sống", tiến sĩ Ngôn ngữ học Mai Xuân Huy, Viện nghiên cứu ngôn ngữ học. 

Sưu tầm